Ðẩy mạnh phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu
Ðó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình hành động số 08 tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, diễn ra ngày 15.9.
Quang cảnh Hội nghị
Một số ngành công nghiệp tiếp tục hoạt động hiệu quả
Theo ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình hành động số 08-CTr/TU (CTHĐ số 08), sau nửa nhiệm kỳ thực hiện CTHĐ số 08 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh được nâng lên.
Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP năm 2021 chiếm 29,1% (kế hoạch 29,1%); năm 2022 chiếm 30,1% (kế hoạch 29,7%). Cơ cấu kinh tế công nghiệp trong GRDP chuyển dịch đúng hướng (tăng từ 20% năm 2020 lên 20,3% năm 2021, 21% năm 2022). Giá trị sản xuất công nghiệp có sự tăng trưởng, cụ thể năm 2021 đạt 52.537 tỷ đồng, năm 2022 đạt 56.848 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 28.488 tỷ đồng.
Một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn tiếp tục hoạt động hiệu quả, duy trì tốc độ tăng trưởng như: Năng lượng tái tạo, chế biến thực phẩm, hàng may mặc, sản xuất thuốc, chế biến gỗ… Kim ngạch xuất khẩu các năm tăng trưởng mạnh và vượt chỉ tiêu kế hoạch; một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh giữ vững đà tăng trưởng.
Hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được quan tâm đầu tư. Công tác bảo vệ môi trường công nghiệp được tăng cường, nhất là kiểm tra, xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp được tăng cường. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã thu hút 135 dự án trên lĩnh vực công nghiệp (có 4 dự án FDI). 45 dự án sản xuất công nghiệp trọng điểm đang triển khai đầu tư xây dựng; dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2023, có 9 dự án sẽ đi vào hoạt động, góp phần tăng năng lực sản xuất và duy trì tốc độ tăng trưởng chung ngành công nghiệp, tạo động lực phát triển KT-XH tỉnh trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, công tác phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp được quan tâm hỗ trợ thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; hội nghị phổ biến, tập huấn kiến thức về thị trường, xuất xứ hàng hóa, rào cản thương mại, an toàn thực phẩm…
Công nhân sản xuất hàng may mặc tại Công ty CP May Tam Quan (TX Hoài Nhơn). Ảnh: TIẾN SỸ
Chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cho rằng, về cơ bản các kết quả đạt được sau hơn hai năm thực hiện CTHĐ số 08 chưa tương xứng với kỳ vọng, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng hằng năm chưa đạt chỉ tiêu đã ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng chung và kỳ vọng đưa tỉnh vào nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung.
Trên địa bàn tỉnh, hầu hết là các DN nhỏ và siêu nhỏ, chưa thu hút được các dự án, các DN lớn đủ mạnh để tạo “cú huých”, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Công tác thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án còn chậm. Hạ tầng kỹ thuật hầu hết cụm công nghiệp xây dựng chưa hoàn chỉnh, tiến độ đầu tư còn chậm…
“Công nghiệp không phát triển sẽ không thu hút được các tập đoàn, nhà đầu tư lớn, từ đó không tạo ra được công ăn việc làm, thu nhập cho người dân nói chung, ngân sách nói riêng; như vậy kinh tế của tỉnh sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Do đó, tập trung phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của tỉnh”.
Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG
Để nâng cao hiệu quả thực hiện CTHĐ số 08, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm, quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương, DN và nhân dân trong thực hiện CTHĐ số 08 và các CTHĐ có liên quan.
Các sở, ngành và địa phương phải tập trung rà soát những khó khăn, vướng mắc kể cả về cơ chế, chính sách; từ đó đề ra những biện pháp cụ thể hơn để tháo gỡ, tạo động lực phát triển cho các DN trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, nhất là Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định; đôn đốc các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để sớm triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
“Sắp tới, tỉnh sẽ triển khai các dự án lớn là Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn, dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE… Để triển khai hiệu quả các dự án này, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải quyết tâm, tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao nhất; tạo ra sự đột phá lớn, giúp cho kinh tế của tỉnh có những bước phát triển mạnh mẽ hơn”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương cần tập trung quyết liệt huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối trong các khu, cụm công nghiệp. Xác định cụ thể hạ tầng khu, cụm công nghiệp nào do nhà nước đầu tư; khu, cụm công nghiệp do khu vực ngoài nhà nước đầu tư.
“Chú trọng quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là rà soát chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thiết thực, hiệu quả, nhằm chủ động đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực cho phát triển công nghiệp. Ưu tiên đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong một số ngành, lĩnh vực gắn với yêu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh”, đồng chí Hồ Quốc Dũng nói.
“Sở NN&PTNT sẽ hỗ trợ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất cho các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề gắn với phát triển du lịch; thực hiện hỗ trợ nhằm bảo tồn các làng nghề có nguy cơ mai một. Tiếp tục nghiên cứu hình thành “Các cụm sản xuất nông - công nghiệp ở nông thôn” gắn với Chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”.
Giám đốc Sở NN&PTNT TRẦN VĂN PHÚC
“Chúng tôi sẽ tăng cường công tác nắm tình hình, hỗ trợ hoạt động sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho DN, phối hợp đề xuất tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động sản xuất. Đồng thời, thường xuyên rà soát, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, môi trường, lao động… theo cơ chế “một cửa - một đầu mối”, tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, công khai, minh bạch góp phần cải thiện môi trường đầu tư”.
Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh CAO THANH THƯƠNG
“Một trong những giải pháp quan trọng trong thời gian đến là khuyến khích, thúc đẩy đầu tư trồng rừng quản lý bền vững có chứng chỉ, nâng chất lượng gỗ trong công tác tạo giống cây, thâm canh, giữ cây gỗ lớn của các đơn vị quản lý rừng. Đồng thời, tạo cơ chế thông thoáng cho liên doanh, liên kết đầu tư trồng, khai thác và thương mại gỗ rừng trồng giữa các đơn vị quản lý rừng, hộ gia đình và DN chế biến, phù hợp với quy định gỗ hợp pháp trong nước và quốc tế hiện nay”.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định LÊ MINH THIỆN
MAI LÂM - CHƯƠNG HIẾU