Bình Định bảo tồn, phát triển các làng nghề có nguy cơ thất truyền
Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Bình Định sẽ tập trung hỗ trợ phát triển các làng nghề như làng nghề rượu Bàu Đá thôn Cù Lâm, làng nghề bánh tráng, bún phường Tam Quan Nam, làng nghề nón ngựa Phú Gia.
Sự nổi tiếng của rượu Bàu Đá Bình Định, đặc sản của thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn một phần nhờ phương pháp nấu rất thủ công, tạo hương vị riêng, cay nồng đậm đà khó tả. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch Bảo tồn và Phát triển Làng nghề đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa đặc trưng của làng nghề; phát triển thương hiệu gắn với phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, giai đoạn 2023-2025, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ phát triển các làng nghề như làng nghề rượu Bàu Đá (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn); làng nghề bánh tráng, bún (phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn); làng nghề trồng hoa Bình Lâm (thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước); làng nghề nón ngựa Phú Gia (thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát).
Cùng với đó, sẽ thực hiện bảo tồn và phát triển đối với làng nghề dệt thổ cẩm (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh).
Giai đoạn 2026-2030, tỉnh sẽ lựa chọn một số làng nghề để tập trung phát triển khi đáp ứng các tiêu chí như được công nhận làng nghề theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động; có sản phẩm đặc trưng, bản sắc văn hóa riêng tạo nên thương hiệu cho địa phương; có tiềm năng phát triển gắn với du lịch để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa…
Đối với làng nghề được lựa chọn để bảo tồn và phát triển phải đáp ứng tiêu chí: Hình thành lâu đời tại địa phương; sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương; hoạt động nhưng đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương có làng nghề được lựa chọn tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan, rà soát, bổ sung các chính sách hiện hành; tổ chức triển khai có hiệu quả nội dung đã được phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh; huy động, lồng ghép, bố trí kinh phí để thực hiện đạt các mục tiêu đề án; khảo sát, lập đề án phát triển/bảo tồn làng nghề phù hợp với nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương, trình UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2023; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch cho UBND tỉnh để có hướng xử lý, tháo gỡ.
Làng nghề trồng bí đao khổng lồ (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) là một trong những làng nghề được tỉnh Bình Định chọn để đầu tư phát triển du lịch. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)
Về phía Sở Công Thương cần tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường đối với sản phẩm làng nghề, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Hằng năm, lựa chọn và ưu tiên hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề tham gia kế hoạch này để phát triển sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công…
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 42 làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động với khoảng 5.247 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động địa phương.
Trong số đó, có 16 làng nghề đã có sản phẩm đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và 8 làng nghề có sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 4 sao…
Các cơ sở làng nghề trên địa bàn tỉnh chủ yếu là loại hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế cá thể.
Năm 2022, doanh thu của các làng nghề đạt khoảng 618 tỷ đồng. Phát triển làng nghề đã tạo điều kiện để các hộ gia đình ở nông thôn tiếp tục duy trì, phát triển nghề, làng nghề; tận dụng tốt lao động nhàn rỗi phát triển kinh tế, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; bảo tồn sản phẩm nghề, thực hiện chủ trương “ly nông bất ly hương” góp phần quan trọng giữ gìn bảo tồn nét văn hóa địa phương, phục vụ du lịch và Chương trình Xây dựng Nông thôn Mới.
Theo Lê Phước Ngọc (TTXVN/Vietnam+)