Phù Cát sớm chuẩn bị ứng phó mưa bão
Nhằm hạn chế tối đa các thiệt hại do mưa bão gây ra, ngay từ giữa năm 2023 huyện Phù Cát đã xây dựng kế hoạch, triển khai các phương án, đồng thời rà soát các loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn, xây dựng phương án ứng phó theo các cấp độ rủi ro thiên tai.
Theo đó, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện và các xã, thị trấn chủ động lên kế hoạch ứng phó, chỉ đạo, phối hợp để phòng ngừa và khắc phục thiệt hại đạt hiệu quả cao, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng yếu; nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố và chỉ huy, điều hành cũng như tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống thiên tai...
Trên cơ sở được kiện toàn đầy đủ các thành phần, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã xây dựng kế hoạch, phương án sát với tình hình thực tế; chuẩn bị và chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể và 18 xã, thị trấn chuẩn bị lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ theo đúng phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả mọi tình huống, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản”. Đồng thời tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, phân loại chất lượng công trình xây dựng, các khu dân cư đã xuống cấp, có nguy cơ sập đổ khi mưa, bão hoặc các khu vực trũng để kịp thời thông báo, di chuyển, tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.
Lực lượng vũ trang giúp dân huyện Phù Cát khắc phục hậu quả bão lụt năm 2022. Ảnh: T.H
Đối với các xã thường xuyên bị ngập lụt như: Cát Nhơn, Cát Thắng, Cát Chánh, Cát Thành… phải có nhiều phương án di dời dân đến nơi an toàn. Các địa phương ven biển, ven sông có khả năng triều cường, nước biển dâng cao đột ngột phải tổ chức theo dõi, cảnh giác, đề phòng và có phương án di dời dân khi cần thiết. Các xã Cát Sơn, Cát Minh nơi có nhiều khu dân cư nằm ven sông La Tinh, đồi núi phải sẵn sàng phương án di dời dân phòng khi lũ quét, sạt lở đất…
Theo chia sẻ của nhiều lãnh đạo xã, thị trấn, tình hình thời tiết năm nay được cảnh báo sẽ cực đoan nên từ huyện đến xã đều đề cao tinh thần chủ động PCTT để tránh và giảm đến mức thấp nhất những hậu quả đáng tiếc. Kết quả rà soát cho thấy trên địa bàn huyện có 3 vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở gồm khu vực núi Gành ở xã Cát Minh; núi Cấm ở xã Cát Thành; thôn An Quang Đông ở xã Cát Khánh.
Huyện cũng đã tiến hành kiểm tra các hồ chứa nước, yêu cầu vận hành theo đúng phương án đã được phê duyệt. Các địa phương sẵn sàng phương tiện để có thể nhanh chóng tổ chức rào chắn, cắm biển cảnh báo, thiết lập chốt trực các khu vực nguy hiểm không cho người qua lại để đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại về người. Bên cạnh đó, chế độ thông báo cũng được triển khai thường xuyên trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở, các mạng xã hội về tình hình thiên tai và các nhiệm vụ cần thực hiện để phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại.
Các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện được phân công phụ trách địa bàn cụ thể để khi cần sẽ về cùng với lãnh đạo địa phương chỉ đạo thực hiện các phương án ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra. UBND huyện đã rà soát, thống kê lập danh sách và kế hoạch sơ tán cụ thể các hộ ở những vùng có nguy cơ ảnh hưởng khi có thiên tai xảy ra; xác định 201 địa điểm có thể đưa dân đến ở tạm (trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học, trụ sở các cơ quan và các nhà kiên cố ở trong khu vực); lên danh sách 580 hộ dân thuộc vùng nguy hiểm, cần sơ tán ngay khi có cảnh báo.
Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT, Phó Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Phù Cát, cho biết: “Với tinh thần tuyệt đối không chủ quan và đề cao cảnh giác, huyện Phù Cát triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ứng phó với mùa mưa bão năm nay theo phương châm “4 tại chỗ”, để hạn chế thiệt hại về người và tài sản”.
Để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn huyện Phù Cát đã chuẩn bị 150 áo phao, 190 phao tròn, 6 phao bè cứu sinh, 22 cưa máy, 20.000 bao cát, 3 xuồng máy, 6 ca nô, 2 thuyền nhôm, 2 xe cứu thương, 50 ô tô các loại, 3 xe ben, 10 máy xúc, 10 máy ủi.
Đồng thời, hợp đồng với các đại lý trên địa bàn dự trữ 1.800 lít dầu hỏa; 1.115 thùng mì gói; 179 tấn gạo và hàng trăm tấn thực phẩm các loại, để dự phòng cung cấp kịp thời cho nhân dân ở các vùng bị cô lập, thiếu lương thực khi có thiên tai xảy ra. Các xã, thị trấn đã tuyên truyền, vận động người dân tự dự trữ các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, nước uống, đèn pin, nhiên liệu…) đảm bảo dùng tối thiểu 7 ngày.
THẾ HÀ