Tôn tạo khu di tích mộ Lê Ðại Cang: Tôn vinh tiền nhân, hướng đến phát triển du lịch văn hóa
Cuối tháng 8, Sở VH&TT phối hợp với UBND huyện Tuy Phước khởi công tôn tạo, tu bổ khu di tích mộ Lê Ðại Cang tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, khắc phục tình trạng xuống cấp, tạo cảnh quan trang nghiêm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích này gắn với phát triển du lịch văn hóa.
Di tích lịch sử khu mộ Lê Đại Cang được UBND tỉnh xếp hạng ngày 27.9.2013. Trước thực trạng di tích hiện đã xuống cấp, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 683/QĐ-UBND ngày 9.3.2023 phê duyệt chủ trương đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khu mộ Lê Đại Cang.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng, triển khai từ năm 2023- 2024, gồm các hạng mục: Tu bổ, tôn tạo mộ Lê Đại Cang, cải táng mộ đệ nhất phu nhân Phạm Thị Đoan, tôn tạo mộ đệ nhị phu nhân Quận chúa Ngọc Phiên; tu sửa hương án, am thờ hiện tại, tường rào, cổng ngõ. Ngoài ra, còn xây dựng các hạng mục phụ trợ như: Sân đường nội bộ dẫn vào di tích, bãi đậu xe, cảnh quan khuôn viên khu mộ, tường rào, cổng ngõ, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng…
Việc tôn tạo khu di tích mộ Lê Đại Cang nhằm tri ân tiền nhân, tạo điểm đến du lịch văn hóa. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ông Huỳnh Thanh Trang, Trưởng Phòng VH-TT huyện Tuy Phước, cho biết: Sau khi UBND tỉnh phê duyệt chủ trương, huyện Tuy Phước đã phối hợp Sở VH&TT triển khai các bước liên quan để thực hiện việc tôn tạo di tích khu mộ Lê Đại Cang, nhất là khâu đền bù giải tỏa nhà cửa, vật kiến trúc… của các hộ dân sống xung quanh. Trong năm nay, huyện cũng phối hợp với Sở VH&TT xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư tu bổ các di tích khác, như: Đình làng Vinh Thạnh, mộ của các danh nhân: Đào Tấn, Nguyễn Diêu, Lê Công Miễn, Lê Tuyên… nhằm bảo tồn các di tích, phát triển du lịch gắn với liên kết quần thể di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương.
Tự hào về tổ tiên của mình có nhiều người là danh thần thời Tây Sơn như cụ nhất lục tổ bá khảo Lê Công Miễn, cụ đệ thất thế tổ Lê Đại Cang - bậc đại thần triều Nguyễn có nhiều công tích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, ông Lê Thanh Minh (92 tuổi), hậu duệ đời thứ 12 của gia tộc Lê Gia, bày tỏ: “Gia tộc chúng tôi rất vui mừng vì Nhà nước không những tôn vinh công trạng các cụ tổ của gia tộc, mà còn quan tâm đầu tư kinh phí tôn tạo các khu mộ nhằm tri ân công đức tiền nhân, góp phần gìn giữ và phát huy hơn nữa giá trị các di tích”.
Dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khu mộ Lê Đại Cang được Sở VH&TT (đơn vị chủ đầu tư công trình) phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, huyện Tuy Phước, cùng nhà thầu thi công, đơn vị giám sát triển khai thực hiện đảm bảo các bước theo luật định để dự án đáp ứng chất lượng về kỹ thuật, mỹ thuật, hoàn thành đúng tiến độ.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: Việc đầu tư tôn tạo khu mộ Lê Đại Cang đảm bảo giữ nguyên vẹn kết cấu kiến trúc gốc, phục hồi những chi tiết bị hư hỏng theo nguyên bản, đồng thời nâng cấp, chỉnh trang tạo cảnh quan trang nghiêm. Việc tu bổ, chỉnh trang khu di tích mộ Lê Đại Cang cũng sẽ tạo thêm điểm đến để công chúng, du khách đến thăm viếng, tưởng nhớ, tham quan, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của một đại danh thần có nhiều công trạng, một danh nhân tiêu biểu của quê hương Bình Định.
Lê Đại Cang (1771 - 1849), còn gọi là Lê Đại Cương, tự Thống Thiện, hiệu Kỳ Phong, tiểu hiệu Thường Chánh thị. Ông quê ở làng Phú Nhơn, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước), là bậc danh thần, quốc sĩ triều Nguyễn. Trong 40 năm làm quan (1802 - 1842), Lê Đại Cang giữ chức từ tri huyện thăng lên quyền Tổng trấn, Tổng đốc, Thượng thư, Tham tán đại thần… Ông đã thực thi nhiệm vụ ở khắp ba miền đất nước trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao, đóng góp rất lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN