Bình Ðịnh xây dựng nông thôn mới: Nỗ lực cải thiện tiêu chí môi trường
Năm 2023, Bình Ðịnh đăng ký 3 xã về đích nông thôn mới, 7 xã nông thôn mới nâng cao. Văn phòng Ðiều phối xây dựng Nông thôn mới (Sở NN&PTNT) cùng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), các địa phương đang nỗ lực thực hiện để đảm bảo các tiêu chí môi trường, đáp ứng yêu cầu theo Bộ tiêu chí quốc gia trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Năm 2023, với tiêu chí môi trường, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và Chi cục Bảo vệ môi trường xây dựng kế hoạch tập huấn, truyền thông và triển khai nhiều mô hình thực tế để các địa phương áp dụng.
Mô hình phân loại và tái chế rác thải hữu cơ thành phân bón phục vụ sản xuất do Chi cục Bảo vệ môi trường hướng dẫn thực hiện đã phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh. Ảnh: THU DỊU
Cụ thể, ở huyện Tây Sơn, sau khi triển khai thành công mô hình tái chế rác thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất ở xã Bình Tường (xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022), ngành chức năng của huyện Tây Sơn tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Ghi nhận bước đầu cho thấy, các mô hình tập trung ở các xã có diện tích sản xuất rau màu, cây trồng cạn quy mô lớn như Tây Giang, Tây Thuận, Bình Thuận và khối Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong). Hầu hết ở các vùng sản xuất này, người dân tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp để ủ phân bón hữu cơ. Cùng với đó, ở xã Vĩnh An - xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2023 - huyện Tây Sơn tập trung nguồn lực, cùng nhiều đơn vị khác hỗ trợ xã xây dựng công trình vệ sinh nông thôn, tái chế và phân loại rác, xây dựng các tuyến đường hoa, cây xanh.
Với xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, địa phương tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nhằm thay đổi thói quen, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, với sự tham gia của 100 hộ, Phước Hưng còn xây dựng mô hình “Vườn xanh - phân loại xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn” ở thôn Biểu Chánh. Theo đó, các gia đình được hỗ trợ thùng rác 2 ngăn để phân loại rác tại nhà, tái chế rác hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp phục vụ sản xuất, góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Việc thực hiện phân loại rác tại nhà từng bước hình thành thói quen mới trong sử dụng và tái chế rác thải, góp phần bảo vệ môi trường. Ông Trần Ngọc Duy, ở thôn Bình Trị, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ cho hay, hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của việc phân loại rác tại nhà, gia đình tôi đã tích cực phân loại rác thải theo hướng dẫn. Cùng với đó, tôi vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Phù Mỹ xây dựng công trình vệ sinh gia đình hợp chuẩn.
Ông Trần Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) cho biết, năm 2023, Chi cục phối hợp với các địa phương xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao triển khai các mô hình phù hợp; chú trọng tập huấn, truyền thông cho người dân địa phương.
“Huyện Phù Mỹ tập trung chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân phân loại chất thải rắn tại nguồn và tái chế rác hữu cơ; các địa phương giao cho hội, đoàn thể xây dựng các mô hình trong xử lý rác như “Ngôi nhà xanh”, “Ngôi nhà pin”, mô hình thu gom rác thải rắn tái chế ở các khu chợ, khu dân cư…; bố trí tăng tần suất thu gom rác. Vận động người dân xây dựng hệ thống nhà vệ sinh, sử dụng nước sạch đảm bảo yêu cầu. Phấn đấu đến cuối năm 2023 hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới” - Ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo XDNTM huyện Phù Mỹ
“Để đảm bảo thực hiện đúng 19/19 tiêu chí nông thôn mới, huyện Hoài Ân tích cực triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường với nhiều mô hình, sáng kiến phù hợp, trong đó có thể kể đến như tuyến đường tự quản xanh - sạch - đẹp; thu gom rác bảo vệ thực vật, CLB Bảo vệ môi trường trong khu dân cư… Huyện bố trí kinh phí lắp đặt 24 camera an ninh giám sát bảo vệ môi trường; thực hiện cam kết bảo vệ môi trường ở các khu dân cư trên địa bàn các xã, thị trấn” - Ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN&PTNT, thành viên Ban chỉ đạo XDNTM huyện Hoài Ân
THU DỊU