Nỗi lo môn tích hợp
Tích hợp liên môn là một điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở cấp THCS, đã bắt đầu được áp dụng từ năm học 2021 - 2022. Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 3 thực hiện chương trình, triển khai cho các khối lớp 6, 7, 8. Tuy nhiên, làm sao để dạy tốt học tốt môn học tích hợp vẫn là thách thức đối với nhà trường, giáo viên và học sinh. Khó nhất là môn khoa học tự nhiên (gồm 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), môn Lịch sử và Địa lý (gồm 2 phân môn Lịch sử và Địa lý).
Cách đây ít lâu, khi Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tỉnh Bình Định giám sát việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, lúc làm việc tại huyện Phù Cát, một giáo viên dạy tích hợp liên môn đã nêu vấn đề, giáo viên vốn được đào tạo đơn môn, không dễ gì đứng lớp dạy kiến thức 3 phân môn, càng lên cao kiến thức tích hợp càng chuyên sâu, đã khó lại càng thêm khó.
Dù tỉnh Bình Định là một trong số ít địa phương của cả nước chủ động bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên dạy tích hợp, nhưng nhiều thầy cô giáo chưa đủ tự tin đứng lớp. Dạy ở phân môn không thuộc lĩnh vực mình được đào tạo thì âu cũng là bình thường.
Bởi vậy không có gì lạ khi đến năm học mới 2023 - 2024, ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Cát cho rằng, đội ngũ giáo viên môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý của cấp THCS đã được bồi dưỡng và cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng các môn khoa học tự nhiên (113 giáo viên), lịch sử và địa lý (65 giáo viên) để thực hiện chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, dù đã có bồi dưỡng cũng khó để đảm bảo chất lượng cao, đặc biệt là giáo viên dạy khoa học tự nhiên chưa được bồi dưỡng kỹ năng thực hành, do vậy các trường khá lúng túng và khó khăn khi 1 giáo viên đảm nhiệm toàn bộ các nội dung môn học.
Ông Hưng đề xuất phải thường xuyên tổ chức tập huấn về chuyên môn, có những chỉ đạo sát với tình hình thực tế của các trường THCS, tránh tình trạng căn cứ vào kết quả ở vùng có nhiều thuận lợi mà áp dụng cho cả vùng bình thường rộng lớn. Nên cho phép các trường linh hoạt trong phân công giáo viên dạy môn tích hợp và dạy đồng thời các môn học này. Hơn thế, Bộ GD&ĐT nên nhìn nhận thực tế đang diễn ra trong đời sống và có cách xử lý bài toán hóc búa về các môn tích hợp: Đổi mới nhưng phải ổn định và phát triển.
Tại cuộc gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục cả nước trước năm học 2023 - 2024, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, sắp tới có thể sẽ có những xem xét, điều chỉnh việc triển khai các môn học tích hợp ở cấp THCS và sẽ cân nhắc để việc điều chỉnh với các môn tích hợp không gây xáo trộn lớn. Cho nên trong khi chờ có sự điều chỉnh đến giờ này, câu chuyện môn học tích hợp ở bậc THCS vẫn còn đó nỗi lo!
MAI HOÀNG