Án mạng từ mâu thuẫn tình cảm
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ giết người chỉ vì ghen tuông mù quáng. Các vụ án mạng nghiêm trọng bắt nguồn từ mâu thuẫn gia đình và tình ái xảy ra, gây mất an ninh trật tự địa bàn.
Mới đây nhất, lúc 21 giờ ngày 14.9, CA huyện Tây Sơn nhận được tin báo của ông T.V.H. (SN 1971, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) về cái chết của vợ mình là bà H.T.S. (SN 1972) xảy ra tại thôn Lai Nghi (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) có nhiều bất thường.
Qua điều tra, CA huyện Tây Sơn xác định đối tượng gây án là Nguyễn Văn Phượng (SN 1972, ở xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn). Nạn nhân đã có chồng, Nguyễn Văn Phượng đã có vợ nhưng hai người có quan hệ tình cảm với nhau. Tối 14.9, ông Phượng ghen tuông, nghi ngờ bà S. có người mới nên đã gặp và cãi vã với bà S. tại xã Bình Nghi. Khi hai người đang cãi nhau, bà S. bị ông Phượng đâm nhiều nhát; bà S. gọi điện cho ông T.V.T. (SN 1969, ở thị trấn Phú Phong) ứng cứu. Khi thấy ông T. đến, Phượng càng hung hăng, đâm ông T. bị thương. Bà S. thiệt mạng ngay sau đó do mất máu nhiều.
Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ án mạng do ghen tuông, để lại hậu quả nặng nề. Trong đó, hung thủ lại là người từng “đầu ấp tay gối” với nạn nhân.
Mặc dù đã ly hôn, nhưng khi phát hiện chồng cũ có người mới, ngày 30.8, Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 1989, ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) đã mua dao ra tay sát hại dã man chồng cũ.
Hay ngày 9.9 vừa qua, sau gần một năm gây ra cái chết cho người vợ cũ, ông T.A.T. (SN 1978, ở xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn) đã đến CA huyện Tây Sơn đầu thú về hành vi giết người. Từ mâu thuẫn gia đình tan vỡ, níu kéo bất thành, ông T. ra tay tàn độc với vợ.
Những cơn cuồng ghen để lại hậu quả nặng nề, kẻ thiệt mạng, người vào tù. Nghĩ người tình của mình không chung thủy, tối 15.7, Đặng Văn Em (SN 1987, ở xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ) đã hẹn nạn nhân đến chỗ vắng sát hại, cướp tài sản.
Hiện trường vụ án Đặng Văn Em (ở xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ) giết chết người tình. Ảnh: N.G
Qua các vụ án giết người vì ghen tuông xảy ra gần đây cho thấy, sự nóng giận nhất thời đã để lại những hậu quả nặng nề cho cả thủ phạm lẫn nạn nhân. Thủ phạm phải đối diện với mức án nghiêm khắc, còn nạn nhân có thể mất mạng. Bên cạnh đó, nỗi đau để lại cho gia đình, con cái là rất lớn.
Hành động dã man của những kẻ giết người không thể bào chữa, khó có thể tha thứ. Tuy nhiên, từ thực tế các vụ án cho thấy, để dẫn đến cơn thịnh nộ bột phát có một phần lỗi của nạn nhân. Nạn nhân có cái tôi quá lớn, không kiềm chế cảm xúc, chỉ nghĩ đến bản thân. Bởi hầu hết các vụ án trên bắt nguồn từ sự thách thức của nạn nhân. Những lời thách thức ấy như châm thêm dầu vào lửa, thổi bùng mâu thuẫn lên cao. Những câu nói thách thức kiểu “sống chung không được thì chia tay, ly dị đi”, “tôi có nhân tình thì đã sao?”, “có giỏi thì giết tôi đi!”, “người ta ngon hơn anh nên tôi yêu đó”… thật sự là giọt nước tràn ly dẫn đến hậu quả đau lòng.
Theo thượng tá Trương Văn Phụng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CA tỉnh), khi mâu thuẫn tình cảm, mâu thuẫn vợ chồng xảy ra, việc giải thích cho đối phương hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện, phân tích thiệt hơn là giải pháp an toàn. Nếu trong trường hợp đối phương quá tức giận, manh động thì tốt nhất nên đi chỗ khác để tránh đẩy xung đột lên cao.
“Trường hợp xảy ra ghen tuông mù quáng, bệnh hoạn, kèm theo những hành động bạo lực, diễn ra thường xuyên thì nạn nhân nên nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và pháp luật, không nên cam chịu, khiến cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn”, thượng tá Phụng nói.
N.GIANG