TRANG BỊ KIẾN THỨC, KỸ NĂNG TỰ BẢO VỆ CHO TRẺ EM:
Giải pháp thực tiễn, từ góc nhìn của trẻ
Cùng với nỗ lực tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em, thời gian qua, các sở, ban, ngành, hội đoàn thể và chính quyền các địa phương chú trọng trang bị kiến thức, nâng cao kỹ năng tự bảo vệ bản thân dành cho trẻ với phương châm “giải pháp thực tiễn, chất lượng và hiệu quả”.
Tích cực hỗ trợ
Các kỹ năng tự bảo vệ bản thân được trang bị cho trẻ em thời gian qua gồm: Tự bảo vệ trên môi trường mạng; giảm bớt căng thẳng do việc học; phòng ngừa bạo lực, xâm hại, đuối nước, bị bóc lột sức lao động, bị ép kết hôn sớm…
Theo báo cáo kết quả triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Tỉnh đoàn và các địa phương tổ chức 20 điểm truyền thông, tuyên truyền về các kỹ năng tự bảo vệ cho gần 12.000 học sinh THCS trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tổ chức chương trình giao lưu, tìm hiểu về quyền trẻ em cho 60 trẻ em đại diện cho trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi của một số huyện và các đơn vị, cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh.
Dịp này, CA tỉnh đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật trên nhiều lĩnh vực ANTT; phòng chống tội phạm, lồng ghép tuyên truyền những quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em, các phương thức, thủ đoạn của tội phạm xâm hại trẻ em, lợi dụng trẻ em để thực hiện các hành vi phạm tội. Tổ chức 104 điểm tuyên truyền an toàn PCCC kết hợp các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em tại các khu dân cư cho gần 10.000 lượt người tham dự; tổ chức ký cam kết đảm bảo phòng, chống đuối nước trẻ em tại 45 trường học và 351 hộ gia đình…
Các huyện miền núi còn linh hoạt hình thức cung cấp thông tin đến trẻ em bằng mô hình hội thi, CLB. Ngày 19.9, Hội LHPN huyện An Lão đã phối hợp với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT huyện An Lão và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Đinh Ruối ra mắt 2 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại hai trường. Em Đặng Thị Như Quỳnh, lớp phó học tập lớp 9A1 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT huyện An Lão, bày tỏ hy vọng ngoài những kiến thức bổ ích, mô hình sẽ là chỗ dựa tinh thần để các em yên tâm chia sẻ khó khăn, nguyện vọng và được giúp đỡ giải quyết triệt để.
“Vẫn có nhiều bạn chưa được tham gia vào CLB, vậy nên thời gian tới, em sẽ truyền tải đến các bạn những thông tin bổ ích để các bạn biết rằng mình có quyền được tôn trọng, được bảo vệ, được vui chơi học tập, bảo đảm sự an toàn của bản thân, không ai có quyền ép các bạn kết hôn sớm, tảo hôn cả”, Quỳnh chia sẻ.
Buổi tập huấn ở huyện Vân Canh ngày 20.9 dành nhiều thời gian để trẻ chia sẻ suy nghĩ, giải pháp. Ảnh: Sở LĐ-TB&XH
Tiếp tục nâng cao chất lượng
Ngày 20.9, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục về huyện Vân Canh tổ chức tập huấn trang bị kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại ở trẻ em. Theo bà Trương Thị Thùy Trang, Trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), một trong những nội dung được nhấn mạnh trong các buổi tập huấn, truyền thông là kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trên mạng xã hội. Cho rằng không nên cấm tiệt trẻ đụng đến điện thoại hay dùng mạng xã hội, bà Trang nêu quan điểm, thay vào đó hãy quy định cụ thể thời gian dùng điện thoại hay mạng xã hội một cách phù hợp; đồng thời tích cực cập nhật cho trẻ thông tin về các chiêu trò lừa đảo, dụ dỗ trẻ em trên mạng.
“Hãy chỉ các em hiểu rõ các chiêu trò lừa đảo, chẳng hạn như yêu cầu cung cấp mật khẩu tài khoản mạng xã hội, gửi hình nhạy cảm với cam kết được giữ kín, được nhận quà tặng, vé xem ca nhạc…”, bà Trang tư vấn.
Với thiện chí lắng nghe từ trẻ nhiều nhất có thể, đa số các buổi tập huấn, truyền thông thời gian qua dành một nửa thời gian để trẻ thảo luận về một vấn đề nổi cộm, rồi cùng bàn giải pháp, trình bày trước các bạn, sau đó báo cáo viên sẽ tư vấn giải pháp tốt nhất. Dù vậy, qua ghi nhận ý kiến của một số trẻ, các em mong muốn giải pháp thiết thực hơn từ góc nhìn, tâm thế của một đứa trẻ hơn là một người lớn; nhất là làm thế nào để thoát ra khỏi khó khăn, rào cản tâm lý và sĩ diện của tuổi mới lớn.
Cùng với việc trang bị kiến thức, kỹ năng, ở các huyện miền núi, đặc biệt với trẻ em gái, có lẽ cần quan tâm tạo thêm những “điểm tựa tinh thần”. Không ít học sinh lớp 9 có ngoại hình xinh xắn như Đinh Thị Kim Tinh (ở thôn 1, xã An Vinh, huyện An Lão) đang phập phồng lo lắng. “Con mơ ước lớn lên sẽ làm một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho mẹ; ông ngoại cũng bệnh nặng nhưng vừa mất. Tham gia tiểu phẩm, con hiểu tảo hôn là sai pháp luật, kết hôn sớm là không đúng. Vậy nhưng, nếu con bị ép kết hôn sớm, con cũng chưa biết phải làm thế nào nữa”, Tinh chia sẻ thật lòng.
NGỌC TÚ