Giữ nghề làm chổi đót truyền thống
Thời gian qua, bên cạnh việc định hướng, hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế trên lĩnh vực nông nghiệp, Hội LHPN xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) còn tạo điều kiện và khuyến khích các hộ dân làm nghề chổi đót lâu năm ở thôn Quảng Nghiệp duy trì hiệu quả nghề này. Đồng thời, tổ chức thành lập mô hình Làm nghề chổi đót truyền thống, góp phần tăng thu nhập cho người dân nơi đây.
Bà Trần Thị Bảy (50 tuổi, ở xóm 4, thôn Quảng Nghiệp) có gần 30 năm gắn bó với nghề làm chổi đót. Tại nhà bà luôn có cảnh các bà, các chị tay thoăn thoắt tước đót, buộc chổi, trò chuyện râm ran. Bà Bảy hào hứng chia sẻ: “Đây là nghề truyền thống do cha mẹ chồng truyền lại, được vợ chồng tôi duy trì cho dù trải qua nhiều giai đoạn khó khăn”.
+Bà Trần Thị Bảy chuẩn bị giao chổi thành phẩm cho thương lái. Ảnh: X.V
Mỗi ngày, tại nhà bà Bảy có khoảng 10 lao động ở nhiều độ tuổi tham gia các công đoạn khác nhau. Tuy là nghề phụ nhưng đã giúp nhiều hộ trong xóm thoát nghèo, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình, nhất là có thể tận dụng được thời gian nông nhàn.
Theo bà Phạm Thị Xuân (50 tuổi, tổ trưởng mô hình Làm nghề chổi đót truyền thống ở thôn Quảng Nghiệp), muốn có một cây chổi đót bền, đẹp, chất lượng đót là yếu tố đóng vai trò quyết định. Đót nguyên liệu được gia đình bà cũng như các hộ làm nghề trong thôn thu mua từ các tỉnh Tây Nguyên, với giá 30.000 đồng/kg đót khô. Mỗi lần mua khoảng 10 tấn/hộ, cất vào kho để dùng quanh năm.
Chổi cán nhựa và cán đót đang được thương lái thu mua với giá 22.000 - 25.000 đồng/cái tùy theo độ dày mỏng của bề mặt chổi. “Trung bình mỗi ngày gia đình tôi làm 100 - 130 cái chổi, được thương lái thu mua tiêu thụ cả trong và ngoài tỉnh. Trừ chi phí mua vật liệu, gia đình tôi lãi 15 triệu đồng/tháng”, bà Xuân nói.
Theo bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Hưng, mô hình Làm nghề chổi đót truyền thống được Hội thành lập từ tháng 8.2022, với 20 thành viên ban đầu. Nghề này không chỉ giúp thành viên phát triển kinh tế, mà còn giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động tại địa phương, với thu nhập bình quân 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
XUÂN VINH