Bình Ðịnh chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thiện kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó với thiên tai năm 2023. Phương châm “4 tại chỗ” vẫn là then chốt, đồng thời kết hợp với sự hỗ trợ của công nghệ, cụ thể là phần mềm Quản lý thiên tai theo từng cấp độ bão, lũ nhằm chủ động sớm các phương án, giảm thiệt hại do thiên tai.
TX Hoài Nhơn là địa phương có đội tàu cá lớn, do vậy việc bố trí chỗ neo đậu, tránh trú bão là vấn đề được chú trọng hàng đầu. Hiện Ban quản lý Cảng cá và Dịch vụ đô thị TX Hoài Nhơn đã lên phương án bố trí neo đậu tàu thuyền, công suất 2.300 tàu cá. Ông Bùi Bình Hùng, Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá và Dịch vụ đô thị Tam Quan, cho hay, hiện nay đơn vị đã bố trí lực lượng phòng ngừa, ứng phó thiên tai ở Cảng cá Tam Quan; cùng ngành chức năng phối hợp với Đồn Biên phòng Tam Quan Nam kiểm tra, kiểm soát, sẵn sàng hướng dẫn tàu cá ra vào đảm bảo an toàn.
Cùng với việc đảm bảo an toàn tàu cá là vấn đề khoanh vùng các khu vực có nguy cơ cao bị ngập lụt, sạt lở để thực hiện di dời dân; bố trí lương thực, nhu yếu phẩm đảm bảo nhu cầu cho người dân khi thiên tai diễn biến phức tạp.
Các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trên địa bàn TX Hoài Nhơn, đảm bảo an toàn vượt lũ năm 2023. Ảnh: THU DỊU
Việc ứng phó với thiên tai trên các công trình, dự án trọng điểm như như Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua TX Hoài Nhơn; công trình tuyến đường kết nối với đường ven biển ĐT 639; công trình đường thay thế tuyến đường Trần Phú, TX Hoài Nhơn cũng được triển khai gấp rút.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Chung, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TX Hoài Nhơn, cho biết: “Với các công trình trọng điểm đang thi công, chúng tôi chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng phương án phòng ngừa và ứng phó; giao Phòng Kinh tế TX Hoài Nhơn kiểm tra thẩm định, trước ngày 30.9 này phải hoàn thành. Đồng thời, chúng tôi thường xuyên kiểm tra việc thực hiện, đảm bảo tính chủ động, kịp thời trong tình huống thiên tai bất thường”.
“Hiện chúng tôi phối hợp với các địa phương chạy thử nghiệm phần mềm Quản lý thiên tai tỉnh tương ứng với các cấp độ bão, lũ đã xây dựng. Đây là bước tập thử để sớm khắc phục những hạn chế, đảm bảo đưa phần mềm vào sử dụng phát huy được hiệu quả như mong muốn”.
Ông Hồ Đắc Chương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN & Phòng thủ dân sự tỉnh
Tương tự, huyện Hoài Ân đã rà soát và khoanh vùng 4 khu vực có nguy cơ sạt lở cao, gồm: Thôn Bình Hòa Bắc, xã Ân Hảo Đông; thôn Đồng Nhà Mười, xã Ân Sơn; khu vực điểm cao 182 thôn Phú Ninh và khu vực điểm cao 318 thôn Nhơn Sơn thuộc xã Ân Nghĩa, cùng một số khu vực bị ngập lụt thường xuyên. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 6 hồ thủy lợi xuống cấp chưa được đầu tư sửa chữa.
Năm nay, dựa trên phương án tích hợp trong phần mềm Quản lý thiên tai tỉnh, huyện Hoài Ân chủ động để sớm có giải pháp phù hợp. Điểm thuận lợi khi có phần mềm là dự lường được những kịch bản và có được số liệu để công tác điều hành, chỉ đạo kịp thời hơn.
Ông Võ Duy Tín - Trưởng Phòng NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN & Phòng thủ dân sự huyện Hoài Ân cho hay: Chúng tôi vẫn bám sát phương châm “4 tại chỗ”, ưu tiên phòng ngừa để kéo giảm thiệt hại đến mức thấp nhất có thể. Do vây, huyện đã chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm đảm bảo cho trường hợp khẩn cấp; bố trí biển báo, biển cấm ở khu vực sạt lở và ngập lụt để cảnh báo người dân không qua lại trong mưa lũ. Tùy tình hình thực tế sẽ triển khai ứng phó chứ không chủ quan, không cứng nhắc bám theo phương án đã xây dựng.
Tại Tuy Phước, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là tình trạng ngập lụt thường xuyên do nằm ở vùng hạ lưu của nhiều con sông. Năm nay, huyện đặc biệt lưu ý những biến đổi lớn do chuyển dịch dòng chảy từ việc thi công một số dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn. Ông Huỳnh Nam - Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN & Phòng thủ dân sự huyện Tuy Phước, trao đổi: Chúng tôi đã vào tâm thế sẵn sàng; phương án, kế hoạch và mọi thứ khác để ứng phó đều đã hoàn tất. Nhiều ngày qua, huyện tập trung kiểm tra việc tổ chức ứng phó trên các công trình; chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công nghiêm túc thực hiện quy định về việc tháo dỡ đường công vụ, bố trí máy móc; đề nghị các đơn vị đảm bảo tiến độ thi công vượt lũ cho các công trình… Theo quy định, đến ngày 30.9, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải hoàn tất phần việc này.
Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay, về cơ bản các địa phương đã triển khai và hoàn thiện các phương án trong phòng ngừa và ứng phó thiên tai. Qua ghi nhận thực tế, hầu hết các địa phương đều triển khai bám sát phương châm “4 tại chỗ” và không chủ quan.
THU DỊU