Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản QPPL
(BĐ) - Sáng 21.9, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang đồng chủ trì Hội nghị. Điểm cầu tại Bình Định do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì.
Các đại biểu tại điểm cầu Bình Định tham gia Hội nghị. Ảnh: V.L
Tại hội nghị, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản QPPL theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 đã báo cáo kết quả rà soát và trình bày dự thảo Báo cáo của Chính phủ. Theo đó, có 24 nhóm lĩnh vực được yêu cầu rà soát; gồm 22 lĩnh vực trọng tâm, 1 nhóm lĩnh vực pháp luật khác và 1 nhóm lĩnh vực đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc được các địa phương, người dân, DN kiến nghị. Tổng số văn bản QPPL đã được các cơ quan thực hiện rà soát là 397 văn bản, gồm 60 luật, nghị quyết của Quốc hội; 139 nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 198 văn bản khác do các cơ quan Trung ương ban hành.
Dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản QPPL theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 có 3 phần. Trong đó, phần 1 là quá trình tổ chức thực hiện; phần 2 là kết quả rà soát; phần 3 là nhiệm vụ, giải pháp, đề xuất, kiến nghị.
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành và địa phương đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến những nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước đã được chỉ ra tại dự thảo Báo cáo của Chính phủ. Nêu ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập tại các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao sự chủ động, tích cực mà Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện trong quá trình rà soát hệ thống văn bản QPPL theo Nghị quyết số 101/2023/QH15. Đồng thời, đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương đối với dự thảo Báo cáo của Chính phủ. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tiếp thu các ý kiến đóng góp, đưa vào dự thảo Báo cáo để trình Chính phủ xem xét, thông qua và trình Quốc hội theo đúng tiến độ yêu cầu.
VĂN LỰC