Chủ động phòng ngừa, ứng phó nguy cơ sạt lở đất ở miền núi
Mối nguy tiềm ẩn từ sạt lở đất vẫn hiển hiện, nhất là ở các huyện miền núi khi rục rịch bước vào mùa mưa lũ. Việc chủ động phòng ngừa, ứng phó với sạt lở được các huyện miền núi của tỉnh chú trọng trước mùa mưa lũ năm nay.
Mùa mưa lũ các năm trước, trên địa bàn các huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh thường xuyên xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Các vụ sạt lở này tuy chưa gây thiệt hại về người nhưng đã làm hệ thống đường giao thông bị hư hại, chia cắt cục bộ ở một số địa phương, khiến cuộc sống người dân gặp khó khăn.
Tuyến ĐH 33 từ hồ Định Bình đến xã Vĩnh Sơn và xã Vĩnh Kim thường xuyên xuất hiện các điểm sạt lở gây chia cắt giao thông vào mùa mưa lũ. Ảnh: H.P
Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, qua khảo sát trên địa bàn hiện có 5 khu vực có nguy cơ về sạt lở đất; trong đó thôn O3 và điểm cao 130 thôn Đăk Tra thuộc xã Vĩnh Kim là 2 khu vực có nguy cơ cao. Tuyến ĐH 33 từ hồ Định Bình đến xã Vĩnh Sơn và đường giao thông từ ngã 3 đèo Vĩnh Sơn đến xã Vĩnh Kim cũng thường xuyên xuất hiện các điểm sạt lở gây chia cắt giao thông, cô lập một số thôn, làng.
Tương tự, trên địa bàn huyện Vân Canh cũng có 2 khu vực có nguy cơ bị chia cắt khi xảy ra sạt lở, gồm: Đường giao thông từ ngã ba Cà Te đi các làng Kà Nâu, Kà Bưng, Kà Bông (xã Canh Liên); đường giao thông từ làng Canh Giao (xã Canh Hiệp) đến thôn Đa Lộc (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên).
Trong đợt mưa lũ cuối năm 2022, trên địa bàn huyện An Lão cũng đã xảy ra nhiều điểm sạt lở, gây chia cắt và cô lập các thôn, làng trong nhiều ngày. Nặng nhất phải kể đến tuyến giao thông từ xã An Quang đi xã An Toàn; tuyến đường từ thôn 4 đi thôn 2 xã An Nghĩa... Đặc biệt, hiện nay khu vực núi Đá (ở thôn Trà Cong) và núi Đá Chồng (ở thôn Vạn Long) thuộc xã An Hòa đang là hai khu vực có nguy cơ cao về sạt lở. Đây là nỗi lo lớn bởi 2 khu vực này có nền đất thiếu ổn định, bề mặt nhiều đá tảng mồ côi. Thời gian qua cũng đã xảy ra hiện tượng sạt lở, trong khi khu dân cư nằm ngay bên dưới.
Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại khi sự cố xảy ra, các địa phương trên đặc biệt lưu tâm, lên phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả theo phương châm 4 tại chỗ.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Lê Minh Thông, với hơn 650 hộ dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi nguy cơ sạt lở núi, chia cắt giao thông, cô lập, huyện đã chỉ đạo các xã lên phương án di dời dân tới những nơi an toàn khi có mưa lũ lớn xảy ra. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của huyện sẽ hiệp đồng chặt chẽ với các DN, cá nhân có các thiết bị như máy đào, máy ủi, xe tải. Nếu mưa lũ kéo dài, gây sạt lở, nhất là đường giao thông vào các thôn O3, O5, O2, Đăk Tra, Kon Trú của xã Vĩnh Kim thì ngay lập tức triển khai phương án thông đường nhằm tránh cô lập địa bàn.
Bên cạnh đó, chính quyền huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh cũng tập trung tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ năng nhận biết về phòng chống thiên tai nói chung và sạt lở đất nói riêng. Đồng thời, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường nắm bắt về tình hình thời tiết; nhất là khi có mưa lớn sẽ cảnh báo để địa phương di dời người dân ở các khu vực đã xác định có nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi an toàn. Ngoài ra, các huyện cũng bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và xây lắp hệ thống rãnh thoát nước dọc, gia cố các mái taluy, xử lý các cầu, cống, ngầm tràn các tuyến đường thường xuyên xảy ra sạt lở.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm cho hay, huyện đã thành lập các tổ, đội xung kích sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Đồng thời, bố trí phương tiện và nhân lực túc trực để xử lý khi sự cố xảy ra; dự trữ sẵn sàng một số lương thực, thực phẩm thiết yếu bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong thời gian xảy ra thiên tai.
Còn tại huyện Vân Canh, UBND huyện cũng đã quán triệt và chỉ đạo các ngành, địa phương từ nay đến cuối năm không được chủ quan, lơ là; theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, tập trung thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, phòng ngừa và hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai xảy ra, trong đó có sạt lở đất.
HỒNG PHÚC