Bi hài chuyện ly hôn
Nhân lúc trà dư tửu hậu, một thẩm phán đã kể lại những cuộc ly hôn ấn tượng đến mức không thể quên trong gần 30 năm xử án.
Rắc rối “chia tay” lần cuối
Vì mâu thuẫn không hợp, đôi vợ chồng quyết định ly hôn. Dù thẩm phán khuyên giải cách nào họ cũng không chịu hàn gắn vì “không hợp tính tình và không thể chung sống dưới một mái nhà được nữa”. Cả hai cũng đã khai rằng từ hai năm nay họ không còn quan hệ sinh lý. Mục đích hôn nhân không đạt được, thẩm phán thuận tình cho họ ly hôn. Những tưởng việc ra tòa chỉ còn là thủ tục, vậy mà, ngay tại phiên tòa xử công khai, lại phát sinh một tình tiết hết sức bất ngờ. Khi một thành viên trong Hội đồng xét xử hỏi: “Chị và chồng quan hệ sinh lý lần cuối là khi nào? Người vợ trả lời không cần suy nghĩ: “Dạ mới đêm hồi hôm”.
Câu trả lời khiến thẩm phán chủ tọa phiên tòa không khỏi kinh ngạc:“Sao trước đây anh chị đều khai là không “qua lại” gì với nhau từ 2 năm nay cơ mà?”. Chị vợ thật thà trả lời: “Dạ, cái đó hổng có sai. Nhưng mới hồi đêm hôm qua, ảnh nói với tui dù gì mai hai vợ chồng mình cũng đã chính thức ly hôn rồi, hay là đêm nay chúng ta chia tay lần cuối. Nghe vậy cũng phải, nên tui đồng ý…”. Bên này, anh chồng cười cười, không cải chính lời vợ. Tuy thừa nhận chuyện “phát sinh tình cảm” đêm qua là có thật, song họ vẫn kiên quyết ly hôn. Tòa công nhận sự thuận tình ly hôn của họ, nhưng phải sửa lời khai, hồ sơ của đương sự bởi tình tiết phát sinh đầy bất ngờ này.
Đòi chia từ bó củi đến bì xà phòng
Ly hôn rắc rối nhất vẫn là chuyện chia tài sản. Người tham cố tình tìm mọi chứng cứ để tranh giành tài sản không ít. Song cũng có cặp vợ chồng cái gì cũng bắt chia làm đôi… cho bõ ghét dù tiền án phí cao gấp mấy lần giá trị tài sản được chia. Tuy nhiên, đòi chia từ bó củi, bì xà phòng đến cây kéo thợ may hay cái rế đựng nồi như những câu chuyện dưới đây thì quả là hiếm gặp.
Ấy là một vụ ly hôn mà hai vợ chồng cái gì cũng đòi chia đôi, từ cái tủ áo, chục chén đến mấy đôi đũa ăn cơm. Khi tòa xuống tổ chức kê biên tài sản để thi hành án (hồi đó tòa kiêm luôn chức năng thi hành án) thì phát hiện trong bếp còn một bó củi và bì xà phòng giặt vi- sô. Bởi những thứ này đương sự không kê khai trong phần tài sản chung nên tòa hỏi giải quyết ra sao. Người vợ đề nghị “chia đôi” luôn. Vậy là, nhân viên tòa án đành chia bó củi trên gác bếp ra làm hai, dùng kéo cắt đôi bì xà phòng giao mỗi người một nửa.
Chuyện đòi chia cái kéo cũng hy hữu chẳng kém. Họ cùng là thợ may. Thời còn yêu nhau, chàng tặng nàng cái kéo thợ may do mình đặt rèn. Cơm không lành, canh không ngọt, khi ra tòa chàng nằng nặc đòi lại cây kéo khi xưa. Tuy nhiên, bởi vật này là của chàng tặng cho nàng trước khi kết hôn nên nó nghiễm nhiên trở thành tài sản riêng của nàng, không phải là tài sản chung mà có thể chia đôi được. Nhưng dù tòa giải thích như thế nào thì chàng vẫn không chịu thông, một hai đòi lại kéo.
Vị thẩm phán gần 30 năm kinh nghiệm trong xử án dân sự trầm ngâm kể lại: “Tôi nhớ trị giá cái kéo thợ may thời ấy chỉ có 25.000 đồng, trong khi án phí phải nộp lên cấp phúc thẩm là 50.000 đồng, vậy mà người chồng vẫn nhất định kháng cáo đòi lại cho bằng được. Một số trường hợp vật đòi lại giá trị rất nhỏ, nhỏ gấp nhiều lần so với tiền án phí, chi phí thẩm định giá trị tài sản, vậy mà người ta cũng cố đòi cho bằng được. Chẳng hiểu người ta nghĩ gì…”.
Trường hợp này chỉ có thể lý giải bằng câu mà ông bà ta đã đúc kết “ăn không được thì quậy cho hôi”, tôi không có thì anh cũng không thể có được cái gì cả. Mặc cho tình nghĩa vợ chồng đã từng đầu ấp tay gối, mặc cho con cái là sợi dây kết nối giữa họ vẫn còn đó, họ hành xử với nhau còn tệ hơn cả người dưng nước lã.
NGUYỄN SƠN