Bộ Y tế chậm giải ngân vốn đầu tư công các dự án mua sắm trang thiết bị
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, 2 vấn đề khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công đến nay đã được giải quyết. Trong đó, có các dự án liên quan đến mua sắm trang thiết bị y tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, tổng số vốn đầu tư công năm 2023 giao Bộ Y tế là khoảng 2.000 tỷ đồng, với tỷ lệ giải ngân chung ở mức thấp là khoảng 8,5%.
Phát biểu tại hội nghị diễn ra chiều 21.9 về tình hình phân bổ, giải ngân và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của 16 bộ, ngành, cơ quan T.Ư và 13 địa phương thuộc tổ công tác số 2, Thứ trưởng Lê Đức Luận đã nêu cụ thể, tổng số vốn đầu tư công 2.000 tỷ giao Bộ Y tế, gồm vốn đầu tư công trung hạn có hơn 598 tỷ đã phân bổ hết. Đồng thời, đã giải ngân được 33% và sẽ giải ngân ít nhất 95% trong năm 2023. Còn lại gần 1.465 tỷ thuộc nguồn vốn Chương trình Phục hồi và Phát triển KT-XH. Trong đó, đã phê duyệt cho 5 dự án và đã phân bổ 585 tỷ.
Bộ Y tế nêu lý do chậm giải ngân vốn đầu tư công liên quan đến các dự án mua sắm trang thiết bị (Ảnh minh họa)
Thứ trưởng Lê Đức Luận cho biết, trong thời gian qua, 15 dự án tại các bệnh viện triển khai chậm với hai nguyên nhân chính và đến nay, các vấn đề khó khăn này đã được giải quyết.
“Các dự án này chủ yếu là mua sắm trang thiết bị. Trong đó, khâu thiết kế và lựa chọn trang thiết bị rất khó khăn. Ví dụ, chi phí cho tư vấn đã có hướng dẫn, nhưng để các bệnh viện thực hiện và tính toán được vẫn rất phức tạp. Thứ hai, một số dự án có cổ phần xây dựng có liên quan đến quy chuẩn về PCCC. Tuy nhiên, quy chuẩn PCCC đã có thay đổi vào năm 2023, sau khi dự án chuyển hồ sơ cho cơ quan thẩm định là Bộ Xây dựng, do vậy, dự án phải đưa về để điều chỉnh lại quy chuẩn cho PCCC. Trong tháng này, Bộ Y tế sẽ phê duyệt hết các dự án thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội”, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết.
Theo báo cáo của Bộ kế hoạch và Đầu tư, tình hình giải ngân tính đến hết tháng 8.2023, tổng số vốn đã giải ngân của 29 cơ quan, địa phương thuộc tổ công tác số 2, đạt gần 105.000 tỷ, đạt 43,52%. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các cơ quan trung ương, các địa phương, chủ yếu do 1 số cơ quan sử dụng vốn lớn có kết quả giải ngân cao như Bộ Giao thông vận tải, TP. Hà Nội.
Trong khi đó, các cơ quan còn lại có tỷ lệ giải ngân thấp, đặc biệt có 6 cơ quan giải ngân rất thấp, dưới 10%.
Một số cơ quan dự kiến không giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2023 vì lý do đặc thù. Trong đó, Bộ Giao thông Vân tải phấn đấu giải ngân 95% kế hoạch vốn; Bộ Giáo dục và đào tạo kiến nghị điều chỉnh giảm hơn 271 tỷ đồng và điều chuyển gần 38 tỷ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội điều chỉnh giảm hơn 1.293 tỷ - chiếm gần 100% kế hoạch vốn giao...
Các bộ, ngành và địa phương chủ yếu vướng mắc ở nguồn vốn thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển KT-XH. Chủ yếu do công tác chuẩn bị cho các dự án không đạt, không thể triển khai. Số vốn giao lại lớn, mà thời gian giao giải ngân lại ngắn, khó thực hiện. Bên cạnh đó, vướng mắc do trong công tác giải phóng mặt bằng, sử dụng vốn ODA.
Chủ trì hội nghị và lắng nghe ý kiến của lãnh đạo đại diện các bộ, ngành, cơ quan T.Ư và 13 địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, bên cạnh những vướng mắc chung cần giải quyết đồng bộ, thì với một số nguyên nhân đặc thù, các bộ, ngành đang có tỷ lệ giải ngân quá chậm, cần có đánh giá cụ thể các dự án.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải “đo đếm” hiệu quả và có hướng điều chỉnh, tránh dàn trải trong lựa chọn dự án đầu tư.
Theo Thiên Bình (VOV.VN)