Indonesia mạnh tay chống tin giả trước thềm bầu cử
Bộ Truyền thông và Tin học Indonesia cho biết đang chuẩn bị các biện pháp chiến lược để ngăn chặn sự lây lan của những thông tin giả, thông tin sai lệch trước thềm cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 2 năm tới.
Bộ trưởng Truyền thông và Tin học Budi Arie Setiadi cho biết để đối phó với xu hướng tin giả đang gia tăng trước cuộc bầu cử, Bộ Truyền thông và Tin học đang thực hiện các biện pháp xử lý ở cấp thượng nguồn, trung và hạ nguồn.
Hòm phiếu tại Indonesia. Ảnh: Jakarta Post.
Ở cấp độ thượng nguồn, Bộ sẽ tập trung vào việc nâng cao trình độ kỹ thuật số và năng lực của cộng đồng. Theo đó phát động các chiến dịch giáo dục, phổ biến thông tin qua Phong trào xóa mù chữ quốc gia về kỹ thuật số, với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thông tin giả và cải thiện kỹ năng xác định thông tin sai lệch.
Ở cấp trung nguồn, Bộ sẽ có những giải thích về các thông tin sai lệch liên quan đến bầu cử, hợp tác với các nền tảng kỹ thuật số để vạch trần những trò lừa bịp. Ngoài ra, Bộ cũng thực hiện biện pháp mạnh tay xóa bỏ các thông tin sai lệch liên quan đến bầu cử và cắt quyền truy cập vào các trang web phát tán thông tin sai lệch.
Trong khi đó, ở cấp hạ nguồn, Bộ cung cấp hỗ trợ dữ liệu và thông tin cho Cơ quan điều tra hình sự Cảnh sát quốc gia trong nỗ lực hỗ trợ thực thi pháp luật, chống lại những kẻ truyền bá thông tin sai lệch liên quan đến bầu cử.
Bộ trưởng Budi Arie Setiadi nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy nỗ lực chung để tổ chức cuộc tổng tuyển cử 2024 hòa bình.
Trong cuộc Tổng tuyển cử năm 2019, Bộ đã ghi nhận hơn 928 thông tin sai lệch, lừa gạt lan truyền. Trong khoảng thời gian từ tháng 1.2023 đến tháng 9.2023, khoảng 152 thông tin sai lệch đã được phát hiện, tăng so với năm 2022. Ông Budi Arie Setiadi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa trước những thông tin đáng lo ngại trong cuộc bầu cử, xem xét các tác động tiêu cực như sự chia rẽ, giảm niềm tin của người dân vào nền dân chủ và nền chính trị quốc gia.
Để đạt được mục tiêu này, chính phủ cần phải mạnh tay xử lý các trò lừa bịp và thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử sắp tới, đồng thời kêu gọi các bên tạo ra một không gian kỹ thuật số lành mạnh để thực hiện cuộc Tổng tuyển cử năm 2024 một cách hòa bình.
Theo Phạm Hà (VOV)