Xây dựng dữ liệu và các nền tảng hỗ trợ
Trong khuôn khổ Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam lần thứ 24 - năm 2023, chiều nay (22.9), hội thảo diễn ra 3 phiên thảo luận về chủ đề: Dữ liệu và các nền tảng hỗ trợ nâng cao hiệu quả xây dựng chính quyền số; Các nền tảng, giải pháp, sản phẩm ứng dụng công nghệ mới hỗ trợ xây dựng xã hội số và phát triển kinh tế số; Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số make in Viet Nam thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam.
Các đại biểu tham gia các phiên thảo luận trong khuôn khổ chương trình Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam lần thứ 24 - năm 2023.
Báo Bình Định lược ghi một số ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, diễn giả, DN ngành CNTT-TT.
* ÔNG TRẦN KIM KHA, GIÁM ĐỐC SỞ TT&TT TỈNH BÌNH ĐỊNH:
Xây dựng kho dữ liệu số cấp tỉnh
Tỉnh Bình Định đang phối hợp với VNPT triển khai xây dựng kho dữ liệu số cấp tỉnh. Hiện, VNPT thí điểm ở nhiều phân hệ dữ liệu, gồm: DN, HTX; công chức, viên chức; hộ nghèo, cận nghèo; phòng chống thiên tai; hành chính công và giao thông.
Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định.
Tuy nhiên, quá trình triển khai kho dữ liệu có một số khó khăn, vướng mắc xảy ra. Đó là căn cứ pháp lý từ việc sử dụng dữ liệu trong cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin chuyên ngành có giá trị chứng minh tương đương với văn bản giấy là chưa đầy đủ, chưa đồng bộ. Vì vậy, nhiều cơ quan nhà nước e ngại việc xây dựng dữ liệu trong cơ sở dữ liệu để thay thế cho văn bản giấy. Rất nhiều hệ thống cơ sở dữ liệu được xây dựng nhưng còn rời rạc, phân tán, thiếu cập nhật. Việc chia sẻ dữ liệu đến nay chưa có bài toán giải quyết hữu hiệu. Dữ liệu danh mục (mã dân tộc, mã tỉnh…) còn thiếu thống nhất…
Do đó, kiến nghị cần có quy định cụ thể thống nhất trong luật, nghị định, thông tư trong các ngành, lĩnh vực về sử dụng dữ liệu trong cơ sở dữ liệu từ những hệ thống thông tin chuyên ngành để có giá trị chứng minh tương đương với văn bản giấy. Các địa phương phải được sở hữu dữ liệu của địa phương mình để làm nền tảng để tạo lập kho dữ liệu ở địa phương. Cần nghiêm túc thực hiện việc tạo lập duy trì và sử dụng thống nhất các dữ liệu danh mục để giảm khối lượng công việc khi làm sạch dữ liệu trong quá trình xây dựng kho dữ liệu cấp tỉnh. Đồng thời, từng bước thay thế thao tác báo cáo bằng việc lập dữ liệu để đảm bảo các cơ sở dữ liệu được cập nhật.
* Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Sóc Trăng:
Sự quan tâm của người đứng đầu giữ vai trò “thành bại”
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Sóc Trăng.
Trong 2 năm qua, tỉnh Sóc Trăng xây dựng từng bước hoàn thiện Trung tâm Giám sát điều hành tỉnh (IOC) phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. IOC thực hiện thu thập, xử lý dữ liệu, hiển thị trực quan các hệ thống thông tin thuộc 13 lĩnh vực (KT-XH, y tế, giáo dục…). Việc triển khai IOC trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả ban đầu tích cực, nhờ vào nhiều yếu tố, như: Sự quan tâm của người đứng đầu; học tập kinh nghiệm của người đi trước; đi trên hai chân: lâu dài thì xây dựng kho dữ liệu, ngắn hạn thì lựa chọn lĩnh vực có hiệu quả ngay để tạo hiệu ứng lan tỏa; làm theo yêu cầu của đơn vị sử dụng; quyết liệt, triệt để hoàn thiện từng sản phẩm một và dữ liệu về lâu dài là dữ liệu được lấy từ các hệ thống chuyên ngành sử dụng hằng ngày.
* Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc sản phẩm Bizfly Martech, VCCorp:
Bình Định cần xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu du lịch thông minh
Vài năm gần đây, thuật ngữ “du lịch thông minh” đã xuất hiện, nhiều DN du lịch trong nước và quốc tế đã ứng dụng lịch vụ du lịch thông minh. Tuy nhiên, để mô hình du lịch thông minh phát huy hiệu quả bắt buộc phải có cơ sở dữ liệu. Với sự phát triển của ngành du lịch Bình Định hiện nay, tỉnh cần phải xây dựng được “trái tim” của du lịch thông minh bao gồm cơ sở dữ liệu du lịch dùng chung và dùng riêng. Dữ liệu du lịch dùng chung sẽ được chia sẻ giữa Bình Định với các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành khác; ngược lại, Bình Định cũng xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch cho riêng mình.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc sản phẩm Bizfly Martech, VCCorp.
Theo đó, Bình Định cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà hàng, khách sạn, điểm đến du lịch, vui chơi, giải trí, hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của tỉnh… để số hóa sử dụng. Ví dụ, Bình Định sẽ chuẩn hóa những loại dữ liệu về cơ sở nhà hàng, khách sạn, thông tin lịch trình du lịch của du khách, phản hồi của du khách về chất lượng dịch vụ… Sau khi xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung, chúng ta sẽ phân vùng những loại dữ liệu cụ thể để chuẩn hóa lưu trữ; cơ sở dữ liệu sau khi chúng ta chia sẻ nhận lại những thông tin, dữ liệu sẽ tiến hành cập nhật để khai thác hiệu quả…
* Ông Huỳnh Cao Nhất, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bình Định:
Hướng đến chuyển đổi số ngành du lịch
Để du lịch Bình Định ngày càng phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh gắn với mục tiêu chuyển đổi số, ngành Du lịch đã từng bước triển khai gắn mã QR về các chương trình, sự kiện, lễ hội du lịch của tỉnh và các địa phương; phối với Sở TT&TT tạo mã QR giới thiệu thông tin về các tháp Chăm Bình Bịnh, cùng một số di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng, lễ hội; xây dựng hoàn thành kho dữ liệu quảng bá với công nghệ mới ảnh 360 độ, không gian 3D tại Bảo tàng Quang Trung; vận hành Cổng thông tin du lịch Bình Định để quảng bá du lịch và hỗ trợ tra cứu thông tin phục vụ du khách khi đến Bình Định; xây dựng “Chính quyền điện tử Sở Du lịch Bình Định” trên Zalo OA; xây dựng cơ sở dữ liệu giọng nói (thuyết minh ảo) tại các điểm du lịch, làng nghề, di tích tích hợp trên Cổng thông tin du lịch Bình Định và đăng tải tuyên truyền trên mạng xã hội…
Ông Huỳnh Cao Nhất, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định.
Thời gian tới, ngành Du lịch tiếp tục duy trì, vận hành và cập nhật nội dung thông tin, hình ảnh, video trên Cổng thông tin du lịch Bình Định; nâng cao hiệu quả hoạt động Trang thông tin điện tử của Trung tâm Xúc tiến du lịch Bình Định với nhiều hình thức quảng bá, như: Cập nhật các cơ sở dữ liệu về cơ sở lưu trú; điểm mua sắm; địa điểm ẩm thực; điểm vui chơi, giải trí và khu, điểm đến du lịch trong tỉnh; xây dựng mã code về các video thuyết minh ảo tại các điểm du lịch, làng nghề, di tích… nhằm hướng đến chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
* Ông Trần Ngọc Thạnh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng:
Xây dựng nền tảng phục vụ chuyển đổi số tại TP Đà Nẵng
Đà Nẵng dự kiến đến năm 2030 sẽ hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN. Tầm nhìn đến năm 2045 phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, thông minh, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng.
Gần nhất, đến năm 2025, Đà Nẵng phấn đấu đạt 100% dữ liệu cơ bản nhất tạo nền tảng cho chính quyền số được hoàn thành và chia sẻ. Tối thiểu 20% TTHC của các cơ quan nhà nước được cắt giảm thông qua kế thừa dữ liệu số; 100% dịch vụ cấp lại, cấp đổi được thực hiện ngay trong ngày. Cung cấp ít nhất 1.000 bộ dữ liệu mở; trong đó có tối thiểu 50 bộ dữ liệu được sử dụng tạo ra sản phẩm mới. Mỗi người dân có mã ID y tế duy nhất và có hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân; 100% cơ sở y tế sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám chữa bệnh, không sử dụng bệnh án giấy. Mỗi học sinh có mã ID duy nhất và có hồ sơ học bạ điện tử, liên thông giữa các cấp.
Ngoài việc thực hiện kho dữ liệu dùng chung; nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; cổng dữ liệu mở; nền tảng công dân số Đà Nẵng - my portal; nền tảng cung cấp dịch vụ tiện ích; kho kết quả thủ tục hành chính số; nền tảng hành trình số; nền tảng hỗ trợ kết nối, phát triển ứng dụng IOT; nền tảng quan trắc dùng chung, chúng tôi còn ứng dụng blockchain để quản lý tài sản số, kinh tế số trên nền tảng DaNangChain. Cụ thể, hoạt động nhằm kết nối thực - ảo trong việc tăng giá trị cho các sản phẩm địa phương, giúp tăng giá trị, thuận lợi trong việc xuất khẩu, bán sản phẩm.
* Ông Vũ Hồng Chiên, Giám đốc Trung tâm trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn:
Đề án 06 và khai thác dữ liệu công dân phục vụ giám sát an ninh
Tập đoàn công nghệ Việt Nam FPT sẵn sàng hơn 30 mô hình triển khai ứng dụng hệ sinh thái công nghệ FPT phục vụ 5 nhóm tiện ích theo định hướng Đề án 06 gồm: Thủ tục hành chính; tài chính, giáo dục, thương mại, thanh toán số, y tế, xác thực liên kết dữ liệu công dân, với các giải pháp, như: akaCam - FPT Software; Camera AI - FPT Camera; FPT.IDCheck.
Ông Vũ Hồng Chiên, Giám đốc Trung tâm trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn.
Cụ thể, akaCam là một nền tảng phân tích video bằng cách chuyển đổi dữ liệu từ camera thành thông tin có thể phân tích được giúp nhận biết hành vi, hoạt động của vật thể/con người; theo dõi và ghi lại phạm vi hoạt động của con người thông qua thị giác máy tính; phân tích hành vi, tạo báo cáo và đưa ra các quyết định dựa trên số liệu, dữ liệu video.
FPT Camera là giải pháp giám sát an minh made by FPT ứng dụng công nghệ điện đám mây (Cloud Computing), trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích, xử lý dữ liệu video (Video Analytics) hỗ trợ giám sát thông minh.
Giải pháp FPT.IDCheck là sự kết hợp giữa dịch vụ xác thực thẻ căn cước công dân gắn chip của Bộ CA và công nghệ AI tiên tiến mang đến khả năng chống giả mạo xác thực ở mức tuyệt đối và khả năng tự động hóa phê duyệt giao dịch.
Nếu ứng dụng các giải pháp trong khu du lịch có thể tiết kiệm được 70% nhân lực; giảm 50% nhân lực an ninh; giảm 90% thời gian phân tích, thống kê tình hình du lịch địa phương. Các giải pháp còn có thể ứng dụng trong các mô hình khác như: Triển khai camera AI kiểm soát ra/vào tại KCN, nhà ga, bến tàu; triển khai thiết bị giám sát thi cử, sát hạch lái xe; giải pháp xử phạt giao thông và trật tự an toàn xã hội; khám chữa bệnh sử dụng QR code thẻ CCCD và VNeID; khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, kiosk tự phục vụ; triển khai tại các điểm công chứng, chứng thực; triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT.
* Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định:
Xây dựng, triển khai kết nối liên thông cơ sở dữ liệu ngành
Việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý dạy và học trong toàn ngành thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Trước những khó khăn, thách thức, cùng với sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ số trong thời đại công nghiệp 4.0 mà ngành GD&ĐT không thể đứng ngoài cuộc, Sở GD&ĐT đã xây dựng Kế hoạch “Chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” tập trung vào 2 nội dung chính. Chuyển đổi số trong quản lý; chuyển đổi số trong dạy, học và kiểm tra, đánh giá.
Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định.
Trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ và nhanh chóng như hiện nay dữ liệu ngành giáo dục là một tài nguyên rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay dữ liệu của ngành giáo dục đang rất rời rạc, không đồng bộ, khó khai thác số liệu thống kê báo cáo, khó khăn trong công tác dự báo; các cấp quản lý thiếu thông tin, bị động trong chỉ đạo, điều hành… là bài toán thách thức đối với sự phát triển của ngành giáo dục. Trung tâm Điều hành Giáo dục vnEdu IOC do VNPT phát triển là giải pháp hữu hiệu đã và đang giải quyết hiệu quả bài toán này.
Tại Bình Định sau một thời gian triển khai thử nghiệm hệ thống VnEdu IOC, số liệu trường học và số lượng giáo viên, học sinh đã kết nối lên hệ thống VnEdu IOC gần như 100%, trong đó bao gồm 11 phòng giáo dục, 637 cơ sở đào tạo với số lượng 18.133 cán bộ, giáo viên, hơn 314.000 học sinh đã được đưa lên hệ thống Vnedu IOC. Bên cạnh đó là dữ liệu kết quả học tập, xếp loại, và các thông tin cần thiết khác của giáo viên, học sinh. Từ những số liệu đó các cấp quản lý có thể chỉ đạo điều hành một cách nhanh chóng, thuận tiện.
Tổng hợp dữ liệu, cho phép xem, xuất dữ liệu giáo viên, học sinh trên toàn địa bàn, trong nhiều năm học; cho phép liên thông dữ liệu tự động (có kiểm soát) từ các hệ thống Quản lý thông tin trường học vào và đồng bộ lên hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD&ĐT. VnEdu IOC cung cấp tính năng điều hành như Gửi thông báo, LiveChat, bộ chỉ số gợi ý điều hành… Hỗ trợ xây dựng các tính năng, báo cáo đặc thù theo nhu cầu. Cho phép người dùng đăng nhập tài khoản SSO từ hệ thống Mạng giáo dục Việt Nam vnEdu mà không cần phải khởi tạo thêm tài khoản khác.
TRỌNG LỢI - NGỌC NHUẬN - THẢO KHUY (Ghi)