Từ một mô hình hợp tác
Ngày 8.8 vừa qua, những con cá ngừ đại dương đầu tiên của ngư dân Bình Định khai thác từ Việt Nam đã lên máy bay sang Nhật Bản. Đây cũng là những sản phẩm cá ngừ đại dương đầu tiên được khai thác đánh bắt theo công nghệ mới do Nhật Bản chuyển giao cho ngư dân Bình Định.
Lâu nay, với cách đánh bắt cá ngừ truyền thống, mặc dù sản lượng đánh bắt cao nhưng thu nhập thấp do chất lượng cá không bảo đảm, giá chỉ từ 70-80.000 đồng/kg. Nay với công nghệ mới đã cho sản phẩm có chất lượng tốt hơn, đủ điều kiện để bán tại những trung tâm bán đấu giá và chuỗi cửa hàng hải sản Nhật. Kết quả cụ thể được công bố là những sản phẩm này đã bán được với giá bình quân lên tới 240 ngàn đồng/kg, gấp ba so với trước. Như vậy là bước đầu có thể thấy phương pháp đánh bắt, bảo quản và bán hàng mới này đang mở ra một cơ hội lớn cho việc xuất khẩu cá ngừ vào thị trường Nhật, nâng cao thu nhập cho ngư dân...
Hy vọng mô hình hợp tác với Nhật Bản vừa được thực hiện những bước đi đầu tiên sẽ đi đúng lộ trình đã hoạch định. Và nếu đúng như vậy thì với hơn 2.700 tàu lớn đánh bắt cá ngừ đại dương, sản lượng khoảng 10.000 tấn/năm thì giá trị kinh tế đem lại sẽ lớn hơn rất nhiều và đời sống của những ngư dân làm nghề câu cá ngừ đại dương sẽ được cải thiện đáng kể.
Những bước đi đầu tiên của chương trình hợp tác với cá ngừ đại dương là gợi mở để tiếp tục có những giải pháp nhằm phát huy và khai thác tốt thế mạnh về hải sản của tỉnh, nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng trong đánh bắt, chế biến và xuất khẩu, góp phần cải thiện đời sống của bà con ngư dân. Ngoài nghề sản phẩm cá ngừ đại dương Bình Định còn có nhiều loại hải sản khác như tôm, cua, mực, các loại cá… cũng có tiềm năng rất lớn. Trong thời gian tới, nếu có sự hợp tác với các đối tác nước ngoài để tiếp thu công nghệ, mở rộng thị trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm này lên tầm cao mới.
Để ngành kinh tế thủy sản phát triển nhanh, mạnh và hiệu quả hơn, chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 25.8 tới đây. Với mục tiêu phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, đi liền với chuyển đổi phương thức sản xuất, đánh bắt mới, việc thực hiện Nghị định 67 đang là động lực mạnh mẽ đối với sự phát triển của ngành thủy sản, là cơ hội để ngư dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Bên cạnh sự hỗ trợ mạnh mẽ về cơ chế, chính sách của chính phủ, việc chủ động hợp tác về công nghệ, sản xuất, thị trường như mô hình hợp tác với cá ngừ đại dương, sẽ là nền tảng để phát huy tiềm năng kinh tế to lớn của ngành hải sản Bình Định trong thời gian tới.
H.Đ