Nét văn hóa Việt - Chăm trong không gian nhà lá mái
Trong vốn di sản nghệ thuật kiến trúc truyền thống trên đất Bình Định, bên cạnh những kỹ thuật kết cấu, hoa văn, họa tiết của đền tháp, chùa miếu, nhà thờ, người ta thường nhắc đến nhà lá mái. Được xây dựng từ các loại vật liệu tại chỗ như tranh, tre, gỗ, đất... nhưng nhiều ngôi nhà lá mái đã gần hai thế kỷ vẫn còn nguyên vẹn cấu trúc.
Nhà lá mái được làm rất công phu với kỹ thuật cao, điểm dễ thấy là cấu tạo mái và vách đều có 2 lớp, gia chủ nào có điều kiện thì mướn thợ làm thêm 2 lớp cửa. Khoảng giữa thế kỷ XX, ông Pierre Gourou, nhà địa lý học của Pháp đã đi khảo sát kiến trúc nhà ở Việt Nam từ Thanh Hóa đến Bình Định tìm ra kiểu kiến trúc chung về nhà rường. Ông mô tả một chi tiết chung của loại nhà này là có hai tầng mái, nhưng ở mỗi vùng có những nét riêng độc đáo và tên gọi cũng khác nhau: nhà rội (gốc cột chôn xuống đất), nhà thượng rường hạ rội (thường có cột ở giữa), nhà rường (cột kê trên đá), nhà mái xông, nhà bỏ đất (trần bích), nhà đắp và nhà lá mái.
Ghi chép trong cuốn Phác thảo nghiên cứu về nhà Việt Nam từ Thanh Hóa đến Bình Định (bản dịch của Đào Hùng), Pierre Gourou nhận xét, nhà rương hay còn gọi nhà rường và nhà lá mái Bình Định có lối kiến trúc tương tự. Qua khảo sát và tìm hiểu của người viết thì nhà lá mái Bình Định có một số nét riêng đặc trưng của sự dung hợp kiến trúc Việt - Chăm. Đây cũng là một phần chứng minh cho quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa của lưu dân người Việt di cư vào vùng đất Bình Định cộng cư, hợp hôn với dân bản xứ Champa.
Một ngôi nhà lá mái còn giữ nguyên cấu trúc nguyên thủy ở huyện Phù Cát (chủ nhà đã cho xây tường gạch mái ngói để che bao nhằm bảo vệ ngôi nhà lâu dài). Ảnh: N.D
Đặc điểm đầu tiên dễ nhận thấy trong sự dung hợp là mỗi khuôn viên nhà lá mái được xây cất theo hình chữ nhật và có từ 2 đến 4 nóc nhà theo trục chính hướng Bắc Nam. Đây cũng là tập quán cư trú truyền thống của người Chăm trong đại gia đình mẫu hệ. Đặc điểm thứ hai, trong kết cấu nhà có trụ lỏng từ trính lên giao nguyên được thợ đẽo gọt mang hình dáng cái cối và chày giống như biểu tượng yoni và linga. Thứ ba là các gian nhà có chức năng tương tự nhau. Cụ thể khuôn viên nhà truyền thống của người Chăm có nhà tục - Thang Ye, nhà bên - Thang Mâyau, nhà khách - Thang Gar, nhà chứa lúa - Thang Tong, nhà bếp - Thang Kìn, nhà ở cho con gái lớn lấy chồng - Thang Lâm, nhà ở cho con gái thứ 2 lấy chồng - Thang Dâu, nhà bố mẹ, người già hoặc người có chức sắc ở - Thang Tôn, và 2 nhà phụ để dụng cụ sản xuất (Kiến trúc nhà Chăm truyền thống của Sử Văn Ngọc).
Còn cấu trúc nhà lá mái của người Việt ở Bình Định gồm có: nhà chính (tương tự nhà tục của người Chăm), nhà cầu (nghĩa là cầu nối, tương tự nhà bên của người Chăm), nhà bông (tương tự nhà khách của người Chăm), nhà lẫm (tương tự nhà chứa lúa của người Chăm) và nhà cho con gái con trai ở riêng (tương tự nhà Thang Lâm, Thang Dâu của người Chăm, nhà ở phụ cho người làm công).
Cột chính và các vì kèo trong nhà lá mái. Ảnh: N.D
Như vậy có thể nói nhà rường của Trung Bộ kết hợp kiến trúc truyền thống của người Chăm đã tạo nên ngôi nhà lá mái Bình Định theo hệ thống kết cấu khung cột, vì kèo và các loại xà đều có quy định thống nhất về kích thước, tương quan về tỷ lệ và qua đó những nghệ nhân sáng tạo ra kiểu kiến trúc riêng biệt có một không gian sống tương đối hoàn chỉnh.
Khảo sát chi tiết nhà lá mái, chúng tôi thấy đây là lối kiến trúc ứng dụng phong thủy rất hài hòa và linh hoạt, có tính toán và tỏ ra rất phù hợp với không gian khu vực tọa lạc. Đường từ cổng ngõ vào nhà bao giờ cũng nằm phía bên phải theo hướng nhà. Giếng nước của nhà lá mái luôn nằm phía bên trái của hướng nhà và đặc biệt tránh đâm xà hoặc nằm trước mặt cửa bước ra. Đặc biệt giếng trời của nhà lá mái thuộc cung trung, mặc dù nó không nằm chính giữa các gian nhà. Ngoài ra nó còn giữ một chức năng cung cấp, đối lưu không khí và ánh sáng cho tất cả các gian nhà. Những đêm sáng trăng, người ở, trai cày thường xay lúa giã gạo nhờ ánh sáng chiếu thông thiên tỉnh. Nhà bông và nhà lẫm có gia chủ cho thông nhau làm một, cũng có gia chủ tránh làm phiền khách với nơi nghỉ con cái nên tách riêng ra. Nhưng dù gì thì hướng cửa vẫn nhìn thẳng ra lối đi từ ngõ vào sân.
Mỗi gian nhà lá mái đều có ít nhất hai cửa lớn và hai cửa sổ. Cửa lớn làm theo kiểu cửa bàn pha, còn cửa sổ thì làm âm bản. Cửa kiểu này từ bên trong nhà nhìn ra ngoài thấy rất rõ, còn từ bên ngoài không thể nhìn thấy bên trong nhà.
Trính, cối trong nhà lá mái. Ảnh: N.D
Nhà lá mái được xây dựng theo khoa học phong thủy để con người hòa hợp, gần gũi với thiên nhiên. Một ngôi nhà lá mái được bao xung quanh một khuôn viên cây xanh. Bờ rào cây duối được cắt bằng, tạo vòm cổng ngõ đẹp và bề thế. Phía sau cổng ngõ cây duối là nhà cổng có hai cánh cửa và được chốt ngang cài bên trong chắc chắn. Từ ngõ đến sân là hai hàng cây chè cưa dọc hai bên lối đi được cắt tỉa thẳng tắp. Phải nói rằng không gian nhà lá mái là một sự quy hoạch sáng tạo của con người vừa hòa hợp với thiên nhiên, vừa khắc phục khí hậu khắc nghiệt và đối phó với thời tiết mưa gió thiên tai hằng năm. Có thể nói rằng kiến trúc nhà lá mái mang ý nghĩa sinh thái nhân văn và được xem như bộ lọc môi trường tạo ra một không gian đầy sức sống.
NGUYỄN DỰ