Chị Dệt tốt bụng
Mấy hôm nay, cơ sở may gia công của chị Nguyễn Thị Dệt (SN 1985, ở thôn Vạn Khánh, xã An Hòa, huyện An Lão) rộn rã tiếng chào hỏi, chuyện trò vui vẻ của các chị em phụ nữ đến làm việc.
Cơ sở của chị Dệt có 15 chị em thường xuyên đến may, ngoài ra còn có tầm 10 người đến nhận hàng về nhà làm. Các chị cho biết, chị Dệt rất dễ chịu khi mở cửa cơ sở từ sáng sớm, xuyên trưa đến gần khuya mới đóng. Gần 10 giờ trưa, nhiều chị về nhà đi chợ, nấu cơm, bỏ thức ăn cho heo, gà; hơn 12 giờ quay lại làm tiếp. Ai cần nghỉ 1 - 2 ngày để chăm con đau hay nhà có đám tiệc, chỉ cần báo trước chị Dệt một tiếng.
Chị Dệt (bìa phải) luôn gần gũi, tận tình chỉ bảo số chị em mới biết may. Ảnh: N.N
Tiếng lành đồn xa, nhiều chị em tìm đến xin học nghề, làm việc tại cơ sở của chị Dệt. Ý thức rõ trách nhiệm của người chủ cơ sở trong việc tìm kiếm nguồn hàng, đảm bảo cho chị em có thu nhập ổn định, chị Dệt luôn nỗ lực kết nối với nguồn hàng mới, giữ mối với khách hàng cũ và hằng năm đề nghị nâng thù lao một số mặt hàng đòi hỏi nhiều công. “Tôi đã quy định cụ thể mức lời của mình, còn lại bao nhiêu trả hết cho chị em. Làm lâu với tôi, chị em biết giá hết. Khách hàng tăng giá thì tôi tăng cho chị em ngay”, chị Dệt cho biết.
Chị Ngô Thị Thanh Tiền (ở cùng địa phương) làm nghề may đã nhiều năm ở nhiều nơi, cho biết chị rất hài lòng sau hơn 8 tháng đến cơ sở của chị Dệt làm việc, đặc biệt quý mến chị chủ cơ sở tâm lý, biết nghĩ cho người khác. “3 con của tôi đã lớn, nhà có bà nội nấu cơm, cho ăn nên tôi yên tâm đi làm, phụ thêm với chồng nuôi con, trang trải chi phí và dành dụm. Làm việc ở đây rất thoải mái, sản phẩm nhiều, chỉ không có sức làm chứ không sợ thiếu hàng”, chi Tiền trò chuyện.
Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN xã An Hòa, chị Dệt đang phải thuê mặt bằng và trang trải nhiều khoản chi phí, hai con cũng còn nhỏ nhưng luôn tạo điều kiện cho công nhân của mình. Nhiều người chưa biết may chị dạy nghề miễn phí. Một số người lớn tuổi muốn có thu nhập, chị Dệt hướng dẫn họ cắt chỉ, ủi đồ cho có ngày công.
“Chị Dệt còn cho một số chị em khó khăn mượn vốn, hỗ trợ một số hoạt động của hội Phụ nữ xã, thôn, giúp đỡ một số hoàn cảnh khó khăn. Sắp tới, chị Dệt sẽ đóng BHXH cho toàn bộ chị em công nhân”, bà Hoa cho biết.
NGỌC NGA