Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Với tôi, Quy Nhơn là thành phố của hạnh phúc
Trong sự nghiệp 40 năm làm báo, nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí Huỳnh Dũng Nhân đã đi đến mọi miền đất nước để yêu và viết về vẻ đẹp của những vùng đất, con người. Và trong những chuyến đi ấy, ông đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp với thành phố biển Quy Nhơn.
Câu chuyện về một bài hát
Tối 7.9, tại TP Quy Nhơn, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã giới thiệu đến bạn yêu âm nhạc bài hát “Quy Nhơn”, do nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của ông. Ông bảo, Quy Nhơn luôn cho ông nhiều cảm xúc mỗi lần ghé chân.
Chân dung nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Ảnh: NVCC
· Nhiều người cảm nhận, bài thơ lẫn bài hát “Quy Nhơn” cho thấy ông yêu Quy Nhơn rất nhiều…
42 năm trước, tôi đến Quy Nhơn lần đầu tiên để thực tập tại Báo Nghĩa Bình (tiền thân của Báo Bình Định ngày nay). Sau đó, tôi về Quy Nhơn công tác rất nhiều đợt, có đợt đi viết bài theo lời mời, có những đợt đi dạy, có khi đi xuyên Việt bằng xe máy để ngắm nghía Quy Nhơn thật nhiều. Với tôi, Quy Nhơn và Bình Định dày đặc kỷ niệm.
Đã sẵn tình cảm trong lòng, năm ngoái, khi cùng gia đình du lịch Quy Nhơn, tôi còn tận mắt và được bạn bè giới thiệu những thay đổi rất tuyệt vời của thành phố biển. Từ cảm xúc đó, tôi đã viết một bài thơ, lấy tựa đề “Quy Nhơn”. Rồi nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, một nhạc sĩ nổi tiếng quê Bình Định, phổ nhạc ngay sau khi đọc bài thơ này.
· Được biết, quá trình bài hát ra đời cho đến khi lời ca tiếng nhạc vang lên trên đất Quy Nhơn, đã có những sự gặp gỡ, chia sẻ, đồng điệu rất tình cờ…
Tôi đăng trên Facebook bài hát này nhiều lần nhưng chưa có dịp phổ biến rộng rãi. Cách đây 2 tháng, tình cờ tôi quen Kiều Lệ trên mạng. Sau khi biết Lệ là ca sĩ, tôi liền gửi tặng cô bài hát “Quy Nhơn”.
Thật không ngờ, từ trái tim đến trái tim, sự tình cờ ngẫu hứng lại đem đến những niềm vui tuyệt vời. Ca sĩ Kiều Lệ đã hát và thu âm ngay ca khúc này. Nhiều người nghe đã khen đây là một ca khúc “rất Quy Nhơn”!
· Chưa dừng lại đó, được biết, câu chuyện còn có những diễn biến vô cùng thú vị “từ bàn nhậu đến trái tim”…
Đúng vậy. Trong một buổi nhậu tái ngộ với hai người bạn cũ là Mạnh Hào và Thái Sinh Nhân, tôi mới biết hai anh đều là người Quy Nhơn và đều quen thân ca sĩ Kiều Lệ. Vậy là, chúng tôi thống nhất nhau ra mắt công bố bài hát “Quy Nhơn”.
Nhóm “Kiều Lệ và Những người bạn” đã hỗ trợ tôi chuẩn bị khẩn trương và hào hứng bằng tinh thần bè bạn nhưng rất chuyên nghiệp.
Riêng nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên do bận rộn đã không về Quy Nhơn cùng tôi dịp này được. Cả nhóm từ TP Hồ Chí Minh về Quy Nhơn, trừ Huỳnh Dũng Nhân là người quê khác, còn lại đều là người Bình Định, đều là những người yêu quê hương đến cháy lòng.
Khắc ghi ấn tượng đầu tiên
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết Báo Nghĩa Bình chính là môi trường báo chí chuyên nghiệp đầu tiên của ông. Đây cũng là nơi ông có bài báo Xuân đầu tiên. Ông nhớ, đó là một bài ký văn học về một đơn vị thanh niên xung phong ở một huyện miền núi. Và rồi sau này, ông trở thành nhà báo nổi tiếng với những bài báo Xuân mượt mà.
· Ông có nghĩ, mình có duyên với Quy Nhơn…
Có chứ. Chẳng hạn việc tôi về Báo Nghĩa Bình thực tập vào cuối năm 1981 trong khi có nhiều nơi khác để về. Suốt 3 tháng thực tập đó, tôi và các bạn đã về nhiều nơi trong tỉnh để tìm kiếm tư liệu viết bài; được cán bộ, lãnh đạo, phóng viên Báo Nghĩa Bình, chính quyền và người dân các địa phương tạo nhiều điều kiện thuận lợi.
Riêng tôi, càng đi nhiều, viết nhiều, càng nhận ra, mảnh đất Bình Định có rất nhiều điều hay.
Yêu cả đất và người
Sau khi nghe bài hát “Quy Nhơn”, nhiều người yêu nhạc chia sẻ rằng, tiết tấu tươi vui, rộn ràng của bài hát khơi gợi nhiều điều rực rỡ, giúp người nghe nhạc hình dung về một Quy Nhơn tươi sáng, phát triển. Bài hát làm người nghe thêm yêu thành phố biển.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và gia đình tại TP Quy Nhơn năm 2022. Ảnh: NVCC
· Đâu là ấn tượng riêng dành cho Quy Nhơn - Bình Định trong lòng ông…
Vùng đất có những giai đoạn lịch sử hào hùng, với những trận chống giặc ngoại xâm bách chiến bách thắng của Hoàng đế Quang Trung luôn gợi trong tôi niềm tự hào khó tả.
Năm ngoái tôi gặp nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, người lúc đó đang làm bức tượng “Từ trái tim đến trái tim” cho Trường ĐH Quy Nhơn. Rồi tình cờ gặp các nhà báo, nhà sưu tầm văn hóa, các nhà văn, nhà thơ ở Bình Định. Chúng tôi đã cập nhật, chia sẻ cho nhau rất nhiều thông tin về sự phát triển của Quy Nhơn - Bình Định. Cũng thật tình cờ, trong một dịp như vậy, tôi được gặp anh Trần Quang Ảnh từng học ở Trường ĐH Quy Nhơn, cung cấp cho tôi rất nhiều tài liệu xưa và nay của Quy Nhơn - Bình Định.
Chính những lần gặp gỡ vô tình và hữu duyên đó, tôi có nhiều tư liệu về Quy Nhơn, hiểu hơn về vùng đất này. Thấy rõ ràng, nơi đây không chỉ là “đất Võ” mà còn có bao điều thú vị khác để thu hút, hấp dẫn, giữ chân du khách.
· Còn con người Quy Nhơn - Bình Định thì sao, thưa ông?
Tôi là người rất để ý đến tính cách của người khác, nhất là những người thân thiết. Vậy nên mới thấy được rằng, bạn bè tôi là người Quy Nhơn - Bình Định ở TP Hồ Chí Minh có những yếu tố để thành công, có lẽ đúc kết từ lịch sử, quá trình sống khó khăn, tinh thần vượt khó, thông minh, sáng tạo. Chính tính khí con người đã tạo ra những cá tính đặc biệt cho văn nghệ sĩ và doanh nhân.
Thật sự, tôi rất khoái tính cách của người Quy Nhơn. Ngay từ lần đầu tiên đến Bình Định thực tập vào cuối năm 1981, tôi đã để ý đến sự nhiệt tình của người dân nơi đây. Trở lại đây du lịch vào năm ngoái, tôi tiếp tục khẳng định điều này khi gặp một tài xế taxi đã tư vấn, hỗ trợ thông tin nhiệt tình không khác gì một hướng dẫn viên du lịch. Giờ đây nhắc lại chuyện ấy, tôi muốn cảm ơn anh taxi lần nữa vì đã góp phần giúp tôi và gia đình có được chuyến du lịch nghỉ dưỡng hết sức ý nghĩa, tuyệt vời.
· Xin cảm ơn ông. Kính chúc ông thật nhiều sức khỏe và sớm quay lại Quy Nhơn.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân sinh năm 1955, quê ở tỉnh Bến Tre. Ông là cây bút nổi tiếng về thể loại phóng sự, từng làm việc tại Báo Tuổi trẻ, Báo Lao động; nguyên Phó trưởng Ban Nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo. Tháng 6.2023, ông ra mắt cuốn hồi ký “40 năm đi, yêu và viết”, với những bài học kinh nghiệm sâu sắc nhất trong hành trình 40 năm gắn bó với nghề báo.
NGỌC TÚ (Thực hiện)