Người “bắc cầu” ở thôn làng
Ðó là những nữ cán bộ người dân tộc thiểu số đã phát huy vai trò trong việc tập hợp, vận động người dân tham gia thực hiện lối sống văn minh, tiến bộ, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Chị Đinh Thị Thống (SN 1985), Bí thư Chi bộ khu phố Klot-pok (thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) từng trải qua nhiều vị trí công tác ở tổ chức Phụ nữ, Mặt trận. Chi bộ đặt ra mục tiêu mỗi năm sẽ kết nạp 1 - 2 đảng viên, ưu tiên phụ nữ dân tộc thiểu số, nguồn từ tổ chức Phụ nữ và Đoàn Thanh niên. Từ năm 2020 đến nay, Chi bộ khu phố Klot-pok kết nạp 5/6 đảng viên là nữ.
Chị Thống (ngoài cùng bên trái, hàng đầu tiên) truyền đạt kỹ thuật cho một số chị em trong tổ liên kết dệt thổ cẩm. Ảnh: Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh
“Đứng vào hàng ngũ của Đảng là bước đầu tiên để kết nối chị em với tổ chức Đảng và chính quyền địa phương. Khi đó, chị em có điều kiện hiểu biết nhiều hơn về chủ trương, chính sách, pháp luật; đồng thời cởi mở, hòa nhập hơn với các dân tộc anh em khác”, Chị Thống chia sẻ.
Chị Thống còn trăn trở tìm cách giữ gìn nét văn hóa truyền thống của người Bana. Chị đã đưa ra ý tưởng phát triển các sản phẩm thổ cẩm và đạt giải nhì trong cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo do Hội LHPN tỉnh tổ chức năm 2022. Chị đề xuất với Hội LHPN huyện thành lập tổ liên kết dệt thổ cẩm gồm 15 phụ nữ do chị làm chủ nhiệm, giúp nét đẹp văn hóa truyền thống này được gìn giữ, thêm gắn bó với đời sống hiện đại, tăng thêm thu nhập cho chị em.
Tương tự chị Thống, chị Đinh Thị Thúy Hằng (SN 1994, người H’re, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 1, xã An Toàn, huyện An Lão) cũng là một “phụ nữ mới” với những suy nghĩ, cách làm mới mẻ, hiệu quả.
Chị Hằng (phải) vui mừng khi sản phẩm mật ong của chị Hạnh đạt chất lượng như kỳ vọng. Ảnh: D.N
Trước đây, việc lấy mật ong theo cách truyền thống (dùng tay vắt trực tiếp) khiến mật khi để lâu dễ chuyển màu. Chị Hằng tìm tòi và hướng dẫn 16 phụ nữ trong “Nhóm cộng đồng thôn 1” (do chị thành lập hơn một năm nay) thử nghiệm và thành công với cách làm mới (dùng dụng cụ sạch như dao để cắt và để mật chảy tự nhiên). Hiện sản phẩm mật ong của nhóm đã có mặt ở TP Hồ Chí Minh và một số địa phương trong tỉnh, đang được chị cải tiến để sớm đạt chuẩn OCOP.
“Để kinh doanh hiệu quả hơn, tôi còn kết nối với các homestay ở địa phương để giới thiệu, cung cấp các sản phẩm đặc trưng cho khách du lịch; chú trọng quảng bá trên các trang mạng xã hội, học cách đóng gói hàng để vận chuyển đi xa… Nhờ đó, chị em trong nhóm ai cũng phấn khởi khi thu nhập cải thiện hơn so với trước”, chị Hằng nói.
Là thành viên trong “Nhóm cộng đồng thôn 1”, chị Đinh Thị Hạnh (SN 1990) được chị Hằng giúp đỡ trong cả kinh doanh lẫn cuộc sống. Chị Hạnh tâm sự: “Ngoài thu nhập chung từ nhóm, nhờ Hằng giới thiệu, một năm nay, tôi còn tìm được những khách hàng riêng cho mình. Chị em nể Hằng bởi tính nói được, làm được, ai cũng tôn trọng và tin tưởng”.
Được chị em quý mến bởi tính thương người, không ngại chia sẻ, trong năm 2023, chị Thống đã dùng tiền cá nhân để giúp hai trường hợp phát triển kinh tế. Chị xem đây là quỹ nho nhỏ, xoay vòng để hỗ trợ lần lượt chị em khó khăn. Chị Đinh Thị Manh (SN 1997) là một trong hai phụ nữ được chị Thống hỗ trợ vốn để trồng keo, đậu xanh… Vợ chồng chị Manh đều làm nông, đang nuôi con trai nhỏ khiếm thị cả hai mắt.
“Chị Thống ngỏ lời cho chúng tôi mượn vốn để làm ăn, khi nào dư dả thì trả lại. Sau đó, chị còn trực tiếp xắn tay áo góp ngày công và vận động chị em trong khu phố cùng giúp tôi hái đậu, làm rẫy. Chị Thống nhiệt tình như vậy nên khi khu phố có bất cứ hoạt động gì, chúng tôi đều sắp xếp để tham gia cùng”, chị Manh tâm sự.
DIỆU NGỌC