Phòng bệnh da mùa mưa
Vào mùa mưa, môi trường ẩm ướt, vệ sinh kém là điều kiện thuận lợi để nấm mốc, vi khuẩn, ký sinh trùng phát triển, rất dễ mắc các bệnh ngoài da.
Trong đó, da nhiễm nấm do tiếp xúc nhiều với nước khiến tế bào sừng bong ra, da bị tác động, nấm rất dễ xâm nhập và phát triển. Nơi dễ nhiễm nấm nhất là các kẽ ngón chân, ngón tay. Biểu hiện ban đầu là lớp màng màu trắng và gây ngứa nhiều, khiến người bệnh phải gãi liên tục, làm lớp màng trắng bong ra, lộ lớp da màu đỏ, ẩm ướt và tiếp tục gây ngứa. Nếu chậm điều trị, nấm sẽ tấn công gây loét sâu, nhiễm trùng, sưng đau, lở loét và mưng mủ, là môi trường để các loại vi khuẩn, vi trùng khác tấn công.
Da chốc lở do tổn thương khi ngâm trong nước, vệ sinh kém, ăn uống thiếu chất… Trẻ em dễ bị nhiễm bệnh hơn, bởi da trẻ mỏng và hệ miễn dịch kém. Bệnh biểu hiện toàn thân, ở những vùng tay, chân, đầu, quanh mũi với những mụn mủ, mụn nhọt đỏ gây sưng đau. Những mụn mủ này sẽ vỡ ra, tạo thành vết loét, tổn thương sâu nếu không điều trị sớm. Khi đó, có chữa lành thì cũng để lại sẹo; thậm chí bệnh còn gây biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận.
Viêm da tiếp xúc xảy ra khi da tiếp xúc với các chất có trong nước lũ, thường gặp ở những vùng da tiếp xúc trực tiếp với nước như chân, tay… với biểu hiện là các dát đỏ, sưng nề, gây ngứa và khó chịu nhiều cho người bệnh. Việc sử dụng các chất sát khuẩn, tẩy rửa thường xuyên sau đợt lũ cũng làm tăng nguy cơ viêm da tiếp xúc ở người có cơ địa dị ứng từ trước.
Để phòng ngừa các bệnh về da trong mùa mưa, cần thường xuyên vệ sinh thân thể; giữ quần áo, cơ thể luôn được khô thoáng. Nếu phải tiếp xúc với nước liên tục thì nên đi ủng, đeo bao tay. Tránh tiếp xúc với nước lũ nếu có vết thương hở; trường hợp tiếp xúc phải rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch, làm sạch và băng kín vết thương bằng băng chống thấm nước để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Người đã mắc bệnh về da cần tránh tiếp xúc với nguồn nước bẩn, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Không dùng chung quần áo, khăn mặt, chậu giặt với người chưa mắc bệnh để tránh lây lan. Tránh gãi để hạn chế làm tổn thương lan rộng. Nên trang bị một số dung dịch sát khuẩn như ôxy già, dung dịch thuốc tím, xanh methylen, clorhexidin, cloramin B... để rửa vết thương trước khi bôi thuốc hoặc sát trùng sau khi lội nước bẩn. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu mắc bệnh nên đi khám các cơ sở chuyên khoa da liễu để được điều trị sớm, vì đa số bệnh rất dễ bị tái phát.
THU PHƯƠNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)