Cần nắm bắt kỹ lưỡng thông tin về xuất khẩu lao động
Lượng người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày càng tăng. Ðể nâng cao hiệu quả công tác xuất khẩu lao động, người dân cần có thông tin đầy đủ, sát thực tế nhằm tránh tình trạng bị lừa đảo, đồng thời có sự tính toán, chuẩn bị chủ động hơn.
Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XV tổ chức tháng 6.2023, một số đại biểu đặt vấn đề số người bị lừa khi tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) ngày càng nhiều. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, phần lớn thủ phạm là các công ty, trung tâm không được cấp phép tổ chức đưa lao động đi XKLĐ.
Ông Nguyễn Bùng (giữa) cùng người lao động nghe nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định tư vấn về XKLĐ tại thị trường Nhật Bản. Ảnh: H.T
Trong năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH đã thanh tra, xử phạt 62 DN, thu hồi giấy phép XKLĐ của 4 DN có vi phạm. Từ đầu năm 2023 đến nay, trong nước tiếp tục có những vụ việc lừa đảo với các hình thức tinh vi hơn được các đơn vị chức năng, địa phương cảnh báo, xử lý.
Số người đi XKLĐ trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền là cần thiết. Vừa qua, chúng tôi có mặt theo dõi các phiên giao dịch việc làm lưu động cho người dân Quy Nhơn ở phường Đống Đa (ngày 21.9), xã Nhơn Lý (ngày 22.9), xã Phước Mỹ (ngày 23.9).
Tại các phiên này, thông tin về thị trường XKLĐ được người dân quan tâm tìm hiểu. Cán bộ, nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định (Sở LĐ-TB&XH) và đại diện các DN tích cực trao đổi, giải đáp cụ thể những thắc mắc, vấn đề người lao động quan tâm. Trong đó, có ý kiến cho rằng thông tin mức lương cơ bản làm việc trong các DN ở nước ngoài trong phiên giao dịch chỉ trên dưới 30 triệu đồng (chưa tính tăng ca), sau khi trừ chi phí sinh hoạt lao động có thể để dành được khoảng 20 triệu đồng/tháng là không cao như mức lương DN nơi khác giới thiệu.
Trao đổi với người lao động, ông Lê Văn Nghinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định, nhấn mạnh: “Chúng tôi là đơn vị của nhà nước, không dám nói như kiểu cò mồi có hứa hẹn mức lương 40 - 50 triệu đồng/tháng, chỉ thông tin về mức lương cơ bản đúng như DN đưa ra. Còn việc nêu khoản tiền dành dụm được mỗi tháng là từ tìm hiểu, chia sẻ từ các lao động mà Trung tâm đã kết nối đi XKLĐ những năm qua”.
Đến phiên giao dịch việc làm lưu động tại xã Nhơn Lý sáng 22.9, ông Nguyễn Bùng (ở thôn Lý Hưng, xã Nhơn Lý) tìm hiểu thông tin về thị trường XKLĐ tại Nhật Bản. “Gia đình tôi ấp ủ ý định cho con trai út 23 tuổi đi XKLĐ, nhưng tìm hiểu thông tin ban đầu trên mạng thấy rất lung tung, có nhiều trường hợp bị lừa đảo nên cũng sợ. Hôm nay, được thông tin rõ ràng, tư vấn cụ thể từ đơn vị nhà nước, tôi yên tâm tính toán việc quan trọng đến tương lai của con”, ông Bùng chia sẻ.
Không ít trường hợp đi XKLĐ bị lừa đảo, gặp khó khăn ban đầu, mức lương thấp, bỏ trốn ra ngoài lao động bất hợp pháp, dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. Để tránh tình trạng này, theo chia sẻ của một số lao động Bình Định đang làm việc ở nước ngoài, cần tìm hiểu kỹ thông tin về công ty đưa người đi XKLĐ. Đơn hàng được tư vấn phải cụ thể, hợp đồng rõ ràng. Tìm hiểu thông tin đa chiều cả tích cực và tiêu cực về cách thức làm việc, sinh hoạt, thu nhập của người đi XKLĐ để có sự hình dung, chủ động chuẩn bị thích ứng nơi xứ người.
Anh Phạm Mộng Việt (31 tuổi, quê ở xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn; XKLĐ tại Nhật được 8 năm) nhìn nhận: “Người có nhu cầu XKLĐ nên đi theo các kênh kết nối của các đơn vị nhà nước sẽ biết và thụ hưởng được các chính sách hỗ trợ tốt hơn”.
Người có nhu cầu XKLĐ có thể tìm hiểu trên website www.dolab.gov.vn của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), đăng thông tin danh sách các DN được chấp thuận chuẩn bị nguồn, đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; cùng các DN nộp lại, thu hồi giấy phép XKLĐ hay bị xử phạt vi phạm hành chính trong XKLĐ. Từ đó, chủ động phòng ngừa lừa đảo từ DN trung gian, môi giới bất hợp pháp.
HOÀI THU