Trung Quốc: Phát lộ tàn tích đền Đạo giáo cổ từ đời Tống ở tỉnh Hà Bắc
Phát hiện này có giá trị quan trọng trong nghiên cứu sự lan truyền của văn hóa Đạo giáo cổ đại ở Trung Quốc, cũng như văn hóa dân gian, phong tục và truyền thống của khu vực miền Nam và Trung Hà Bắc.
Nơi phát hiện tàn tích ngôi đền Đạo giáo cổ tại Công viên Guanjin, huyện Wuyi, tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc. (Nguồn: Tân hoa xã)
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy tàn tích của một ngôi đền Đạo giáo có niên đại từ thời nhà Tống (960-1279) ở tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc.
Trong thông báo ngày 23.9, chính quyền tỉnh Hà Bắc cho biết đây là kết quả của dự án khảo cổ kéo dài 3 tháng tại một ngôi làng thuộc huyện Wuyi, do Viện Di tích và Khảo cổ Văn hóa tỉnh Hà Bắc và các cơ quan bảo vệ di tích văn hóa địa phương phối hợp thực hiện.
Một nhà nghiên cứu tại viện trên, ông Guo Jiqiao cho biết di tích này có diện tích 400m2, bao gồm một nền đất, một tòa nhà Đạo giáo, một mương nước, hai giếng nước, 7 hố tro và 3 bếp lò.
Các hiện vật được khai quật gồm các phần kiến trúc còn sót lại, nhu yếu phẩm và công cụ sản xuất, phần lớn có niên đại từ thời nhà Tống.
Các chuyên gia khảo cổ cho biết phát hiện này có giá trị quan trọng trong việc nghiên cứu sự lan truyền của văn hóa Đạo giáo cổ đại ở Trung Quốc, cũng như văn hóa dân gian, phong tục và truyền thống của khu vực miền Nam và miền Trung tỉnh Hà Bắc.
Đạo giáo là một trong Tam giáo tồn tại từ thời Trung Quốc cổ đại, song song với Nho giáo và Phật giáo.
Ba truyền thống tư tưởng nội sinh (Nho-Lão) và ngoại nhập (Phật) này đã ảnh hưởng rất lớn đến nền tảng văn hóa Trung Quốc.
Theo Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)