Hiệu quả từ một mô hình phân loại rác tại nguồn
Tháng 6.2023, Sở TN&MT phối hợp với Sở NN&PTNT và UBND huyện Tây Sơn triển khai mô hình phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại khối phố Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn). Mô hình đã đạt nhiều kết quả tốt, nhận thức, thói quen của người dân dần được thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Bà Cao Thị Năm (ở tổ 1, khối phố Thuận Nghĩa) cho biết, trước đây, gia đình bà cũng như các hộ khác trên địa bàn không hề biết đến việc phân loại rác hữu cơ, vô cơ. Thường các loại rác như vỏ đồ hộp bằng kim loại, thủy tinh đều để chung với rác thực phẩm, rau, củ… Từ khi triển khai mô hình phân loại rác, người dân đều đồng tình ủng hộ, tự giác phân loại.
“Việc phân loại rác ngay tại chỗ có nhiều cái lợi, như vừa có thêm rác hữu cơ là thức ăn thừa, rác nhà bếp để bón cho cây trong vườn hoặc làm thức ăn chăn nuôi, vừa lọc ra một số loại rác có thể tái chế hoặc bán cho người thu mua phế liệu. Chỉ mất thêm một chút thời gian nhưng đổi lại đường thôn ngõ xóm sạch đẹp hơn”, bà Năm chia sẻ.
Còn chị Trương Thị Mỹ Lệ (ở tổ 3, khối phố Thuận Nghĩa) nhận xét, mô hình phân loại rác thải tại nguồn rất ý nghĩa, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, tạo cảnh quan sạch đẹp. Một số loại rác như gốc rau, lá cây được ủ để làm phân bón cho cây trồng, giảm bớt gánh nặng cho tổ thu gom rác.
Người dân tổ 3 (khối Thuận Nghĩa) phân loại rác tại gia đình. Ảnh: V.L
Theo ông Bùi Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Phong, trước đây, việc xử lý rác chủ yếu bằng cách chôn lấp hoặc đốt; việc thu gom rác thải tại địa phương gặp nhiều khó khăn, khiến môi trường bị ô nhiễm.
Từ khi triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn, các khái niệm như rác hữu cơ, rác vô cơ, chế phẩm sinh học, phân vi sinh… đã quen thuộc hơn đối với người dân. Các hộ được hỗ trợ 2 xô nhựa đựng rác hữu cơ và vô cơ, được tham gia các lớp tập huấn. Các tình nguyện viên đến tận nhà hướng dẫn cách thức phân loại rác; riêng các hộ thực hiện ủ rác thải hữu cơ được hỗ trợ 2 bồn, xô thu gom và chế phẩm sinh học Trichodema.
“Thị trấn cũng đã thành lập 4 đội thu gom, xử lý chất thải thực phẩm. Hằng ngày các đội có trách nhiệm đi thu gom chất thải thực phẩm tại 290 hộ đem về ủ trong thùng đặt tại nhà của các thành viên trong đội. Có thể thấy, việc phân loại rác thải tại nguồn đã góp phần xây dựng cảnh quan môi trường trong lành, thực hiện nếp sống văn minh đô thị”, ông Hải chia sẻ.
Theo ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTXNN Thuận Nghĩa, khối phố Thuận Nghĩa là làng sản xuất rau nên lượng rác hữu cơ từ gốc rau, lá rau phát sinh hằng ngày rất lớn. Từ khi mô hình này được triển khai đã đem lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao độ an toàn cho các sản phẩm rau. “Nhờ thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn nên lượng rác thải bước đầu đã giảm đáng kể, tiết kiệm được nhiều công sức, chi phí và góp phần giúp môi trường nông thôn thêm sạch, đẹp”, ông Cầu nói.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) đánh giá: Mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn đã được triển khai ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, nhưng Thuận Nghĩa là nơi được chọn làm điểm theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhờ người dân hưởng ứng tích cực, đội ngũ cán bộ khối phố hết lòng ủng hộ, lại có vùng canh tác nông nghiệp thuận lợi để tiếp nhận và sử dụng phân bón hữu cơ sau ủ. Trên cơ sở thành công của mô hình này, Chi cục sẽ tham mưu cho lãnh đạo Sở TN&MT nhân rộng ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
VĂN LƯU