Bảo vệ động vật, thực vật rừng quý hiếm: Tạo chuyển biến từ nhận thức
Thực hiện Nghị định số 06/2019/NÐ-CP trong quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp…, công tác bảo tồn, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.
Từ năm 2022 đến nay, Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) tiếp nhận và tham mưu cấp thẩm quyền xử lý 12 cá thể động vật rừng nguy cấp, quý hiếm do các tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp theo quy định. Phần lớn động vật rừng được giao nộp đều trên tinh thần tự nguyện của người dân, đáng chú ý có không ít trường hợp chủ động mua lại động vật rừng bị buôn bán trái phép, giao nộp cho ngành chức năng.
Cùng với đó, Chi cục Kiểm lâm thực hiện cấp giấy chứng nhận mã số cơ sở nuôi, trồng các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm II và động vật, thực vật hoang dã cho 142 cơ sở đúng quy định (141 cơ sở nuôi động vật rừng và 1 cơ sở trồng cấy nhân tạo thực vật rừng).
Tiếp nhận và thả về rừng động vật hoang dã tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn. Ảnh tư liệu: NGỌC NHUẬN
Cụ thể, đầu năm 2023, Hạt kiểm lâm huyện Phù Cát tiếp nhận và bàn giao cho ngành chức năng thả về rừng 2 con khỉ đuôi lợn. Theo ông Võ Văn Tiến, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Phù Cát, 2 cá thể khỉ đuôi lợn được gia đình chị Lê Thị Giỏi (thôn Vĩnh Trường, xã Cát Hanh) mua lại của một hộ dân ở ngoài tỉnh, chăm sóc và liên hệ ngành chức năng để tự nguyện giao nộp. Kết quả này là nỗ lực của công tác phối hợp tuyên truyền giữa đơn vị và chính quyền địa phương. Sau khi tiếp nhận, Hạt kiểm lâm huyện Phù Cát cùng Chi cục Kiểm lâm thực hiện công tác chăm sóc, đến cuối tháng 2.2023 thả 2 con khỉ đuôi lợn về rừng đặc dụng An Toàn (thuộc xã An Toàn, huyện An Lão).
Ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn (Sở NN&PTNT), cho hay: Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn là nơi tiếp nhận động vật rừng thả về tự nhiên. Hiện, đây là nơi sinh sống của 72 loại động vật quý hiếm và 14 loại động vật đặc hữu, do vậy công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân rất quan trọng. Với quan điểm bám rừng, giữ rừng, các cán bộ, nhân viên ở đây đều có sự kết nối, trao đổi thông tin với người dân để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con trong việc chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ động vật, thực vật rừng quý hiếm.
Cũng xác định công tác bảo vệ động vật, thực vật rừng quý hiếm phải bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức của người dân, Hạt kiểm lâm huyện Hoài Ân chủ động phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tuyên truyền cho người dân về bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã và việc gây nuôi động vật rừng phù hợp. Ông Nguyễn Văn Hòa, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hoài Ân, cho biết từ đầu năm đến nay trên địa bàn không ghi nhận tình trạng mua bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép động vật rừng hoang dã. Hiện, địa bàn Hoài Ân có 32 cơ sở nuôi động vật rừng được cấp mã số, với số lượng 495 cá thể cầy vòi hương, chim công. Các cơ sở tuân thủ đúng quy định nuôi, đăng ký giấy phép hoạt động.
Ông Sử Văn Trí, chủ cơ sở nuôi cầy vòi hương ở thôn Phú Hữu 2 (xã Ân Tường Tây, Hoài Ân), chia sẻ: Năm 2019 gia đình ông nuôi cầy vòi hương. Trước khi bắt tay vào nuôi động vật rừng, ông tham khảo thông tin và được ngành chức năng hướng dẫn đăng ký giấy phép. Ông vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Hoài Ân để gầy đàn với 8 con, đến nay gia đình ông chủ động được việc lai tạo giống và mở rộng quy mô lên 100 con. Quá trình nuôi được Chi cục Kiểm lâm, Hạt kiểm lâm huyện Hoài Ân kiểm tra định kỳ, theo dõi và hỗ trợ.
Theo bà Nguyễn Thị Anh Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, hiện nay công tác tăng cường quản lý, giám sát và tuyên truyền nâng cao nhận thức trong bảo tồn, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, qua đó có những thay đổi tích cực về nhận thức của người dân. Đồng thời với đó là tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý những trường hợp vi phạm.
THU DỊU