Nhân - Rọi mình trong cõi nhân gian…
Nhân (NXB Hội Nhà văn, 2023) là tập thơ vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Bạch Xuân Lộc vào tháng 9.2023. Tập thơ đa dạng những thể tài hướng đến, lúc nồng nàn chia sẻ, khi lắng sâu trữ tình, rọi lại mình trong muôn chiều xúc cảm, muôn nẻo nhân gian…
Bìa tập thơ Nhân của tác giả Bạch Xuân Lộc.
Bạch Xuân Lộc (SN 1954) quê ở làng chài Vũng Nồm, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn. Sóng ru mình và cái nắng oi ả phả hơi biển mặn mòi vào tuổi thơ cùng bao ký ức thân thương quê nhà như ràng rịt trong tâm khảm ông, nhất là những khi ông xa quê, tận phía trời Melbourne nước Úc. Hình ảnh quê hương hiện lên trong thơ Bạch Xuân Lộc mộc mạc, với những hình nét rõ ràng, cụ thể. Và đôi khi, quê hương chảy vào thơ ông với niềm nỗi tha nhân, với luyến tiếc một dáng hình xa xứ. “Lại về xứ Vũng thăm nhà,/ Giữa sườn Núi Cấm đâu hoa lỡ mùa./ Sóng ghềnh xao động sớm khuya,/ Em đi năm ấy... mải mê phương nào?” (Thoáng hư hao).
Ở Bạch Xuân Lộc, nhớ quê hàm ẩn cả trong ông là nỗi nhớ người thân, nhớ đấng sinh thành. Trong tập thơ này, ông dành nhiều bài thơ về mẹ với những hình ảnh thân thương, đầy chở che, bảo bọc. Ông có hàng loạt bài thơ viết cho mẹ như Khoe ảnh mẹ, Chọc mẹ cười, Bữa cơm với mẹ, Tâm sự với Mẹ yêu, Những ngày bên Mẹ… Trong nhiều sáng tác của ông, bài thơ Nét đẹp của mẹ khá thành công, một lối diễn ngôn khác trong thơ của ông, tiệm cận hơn với thơ mới: “Càng có tuổi mẹ càng nhiều tàn nhang trên mặt,/ Mất nét đẹp rồi thời thiếu nữ hồn nhiên/ Chối sao được các con cũng góp phần lỗi lớn,/ Đã làm cho nhan sắc mẹ hao mòn.// Tuy là thế vì thời gian nên thế,/ Bởi một đời tần tảo lo toan,/ Giang sơn nhà chồng gánh nặng một đàn con,/ Đâu có rỗi mà tô son điểm phấn”.
Thơ với Bạch Xuân Lộc như nhật ký, lưu giữ lại những thơ mộng vùng đất ông đi qua, những nồng ấm tình thân của xứ sở quê nhà, những đau đáu với phận người, cảm thương cho đồng bào mình trước sự phẫn nộ của mẹ thiên nhiên hay trước đại dịch hoành hành gây nên bao tang thương, mất mát. Tác giả dành một dung lượng lớn sáng tác cho tình yêu, thứ mạch ngầm róc rách trong mỗi hồn người mà ông tin rằng chỉ có được ở con người: “Thứ năng lực yêu vô bờ vô bến,/ Những đam mê chỉ có được ở con người” (Điêu ngoa). Hay, đôi khi là bừng lên những khao khát, muốn bước ra khỏi những lợt lạt mà tìm ngọn lửa nhân gian sưởi ấm lòng mình: “Cho tôi thêm tí lửa được không,/ Thuốc nhúm lâu nôn nóng quá chừng,/ Thì ra ống điếu là bánh khói,/ Hơi hám đâu để ấm được lòng?” (Thêm tí lửa mà).
Bạch Xuân Lộc với thơ như duyên nợ mắc míu, lấy ngôn ngữ điệu vần làm nẻo trú nương. Có lẽ, ông không chủ ý thành nhà thơ với vọng ước xa xôi nào đó, mà giản dị là muốn sẻ chia tiếng lòng mình. Thơ ông không trau chuốt mỹ miều, chẳng góc cạnh cầu kỳ ngữ hình, mà bình dị, đôi lúc còn thô tháp nhưng chứa đầy sự chân thành.
SƠN TRIỀU