Indonesia chính thức cấm bán hàng trên các nền tảng truyền thông xã hội
Các nền tảng truyền thông xã hội chỉ được phép quảng cáo hàng hóa hoặc dịch vụ, cấm làm nền tảng cho các giao dịch thương mại và thanh toán trực tiếp.
Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan ngày 25.6 thông báo, Indonesia sẽ ban hành quy định cấm các nền tảng truyền thông xã hội giao dịch và thanh toán trực tiếp. Quy định này được đưa ra sau khi các nền tảng thương mại xã hội, như TikTok Shop, làm giảm mạnh hoạt động sản xuất và bán hàng của các thị trường truyền thống.
Thông báo được đưa ra sau cuộc gặp của Tổng thống Indonesia Joko Widodo cùng các Bộ, ngành liên quan. Bộ trưởng Hasan giải thích, các nền tảng truyền thông xã hội chỉ được phép quảng cáo hàng hóa hoặc dịch vụ, nhưng bị cấm làm nền tảng cho các giao dịch thương mại với hoạt động giao dịch và thanh toán trực tiếp. Bộ trưởng nhận định, giống như truyền hình, mạng xã hội hoặc các nền tảng truyền thông kỹ thuật số khác chỉ có thể là nơi quảng bá sản phẩm, không phải là nền tảng cho các giao dịch.
Bán hàng trên các nền tảng truyền thông xã hội ảnh hưởng lớn đến các cửa hàng truyền thống tại Indonesia. Ảnh minh họa: Jakarta Post
Trước đó, nhiều quan chức Indonesia cũng bày tỏ phản đối đối với TikTok Shop - một nền tảng thương mại xã hội, đang gây thiệt hại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương.
Trong một cuộc khảo sát tại chợ Tanah Abang tại Jakarta để tìm hiểu về tình hình của trung tâm bán buôn lớn nhất Đông Nam Á, các thương nhân cho biết, đã bị giảm hơn 50% lợi nhuận vì không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu được bán với giá thấp hơn nhiều trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Vì vậy quy định mới sẽ điều chỉnh công bằng thương mại giữa trực tuyến và trực tiếp. Quy định này dành cho tất cả các nền tảng thương mại xã hội, không đơn thuần là TikTok Shop. Nếu phát hiện vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia sẽ đưa ra cảnh báo trước khi đóng cửa nền tảng.
Trong quy định mới, chính phủ cũng tách biệt nghiêm ngặt các nền tảng "thương mại xã hội” (mua bán trên các trang mạng xã hội) và "truyền thông xã hội" để ngăn chặn việc sử dụng dữ liệu cá nhân cho mục đích kinh doanh. Quy định mới cũng quy định rõ danh mục hàng hóa bán hoặc hàng hóa được phép nhập khẩu.
Một trong những mặt hàng không thể nhập khẩu hoặc nằm trong danh sách cấm là Batik. Hàng nhập khẩu phải có những yêu cầu tương tự như hàng nội địa, như chứng nhận Halal cho sản phẩm thực phẩm và sự cho phép của Cơ quan Kiểm soát thực phẩm và dược phẩm quốc gia (BPOM), đối với các sản phẩm chăm sóc da hoặc làm đẹp. Còn đối với hàng điện tử phải đạt các tiêu chuẩn như hàng nội địa. Quy định cũng cấm bán hàng nhập khẩu có giá dưới 100 USD.
Theo Phạm Hà (VOV)