Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn: Khẩn trương thi công các hạng mục quan trọng
Ban điều hành Trường Sơn 5 (thuộc Binh đoàn 12, tức Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn) là nhà thầu thi công 70,1 km đường thuộc Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn. Hiện nhà thầu đang khẩn trương thi công các hạng mục quan trọng trước khi mùa mưa lũ đến.
Ưu tiên thi công cầu, cống
Cuối tháng 9.2023, thời tiết Bình Định mưa nắng bất chợt, dù vậy hàng trăm kỹ sư, công nhân thuộc Ban điều hành (BĐH) Trường Sơn 5 liên tục có mặt trên công trường, nỗ lực duy trì đủ các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ, tập trung vào các hạng mục quan trọng của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn trước khi mùa mưa lũ đến.
Ban điều hành Trường Sơn 5 đang nỗ lực thi công cầu An Lão, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân. Ảnh: HẢI YẾN
Hướng tuyến của dự án cao tốc đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn chủ yếu đi qua đồi núi, sông suối chằng chịt nên càng gần đến mùa mưa lũ, chủ đầu tư càng tăng cường giám sát, đôn đốc nhà thầu ưu tiên thi công các hạng mục cầu, cống, ngầm, mương thoát nước… đúng kế hoạch tiến độ, hạn chế tối đa ảnh hưởng do mưa lũ gây ra.
Theo ông Hồ Sỹ Biên, Phó trưởng BĐH Trường Sơn 5, đơn vị đã huy động thêm công nhân, tăng ca và ưu tiên thi công các hạng mục dưới nước như cầu, cống, hệ thống hầm chui dân sinh. Đây là những hạng mục góp phần giữ an toàn cho công trình, chắn chịu mưa lũ, để đời sống dân sinh của vùng dân cư gần công trường ít bị ảnh hưởng nhất.
Trên tuyến chính, BĐH Trường Sơn 5 tổ chức 10 mũi thi công nền đường, cống hộp, hầm dân sinh; huy động 70 ô tô, 37 máy đào, 27 xe lu rung, 15 máy ủi, 6 xe múc, 4 xe san gạt, 1 trạm trộn bê tông xi măng… hoạt động hết công suất. Đặc biệt những ngày qua, nhà thầu đã huy động hơn 330 kỹ sư, công nhân, với hàng trăm trang thiết bị, giàn khoan, máy khoan, dây chuyền sản xuất dầm bản, dầm I, dầm Super-T… đẩy nhanh tiến độ thi công 12/14 cầu thuộc dự án.
Tại các cầu Hoài Nhơn, cầu vượt ĐT 629, An Lão, Ân Thạnh, Kim Sơn, Ân Phong 1, cầu vượt ĐT 630, Ân Phong 2, Hóc Kỷ, Hóc Sim, cầu vượt ĐT 631…, các đội thi công đã khoan được 13.101 m khoan cọc nhồi (đạt 69,48%); đúc 99 phiến dầm (21,02%); đổ tại chỗ 12 cống hộp (48%)... Mục tiêu đặt ra là đến hết tháng 10.2023 - trước khi mùa mưa lũ về - sẽ thi công xong toàn bộ các cọc, bệ, thân mố trụ cầu.
Đồng hành giúp nhà thầu gỡ khó
Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Theo đề nghị của chủ đầu tư, UBND huyện đang khẩn trương xử lý dứt điểm các vướng mắc. Ví dụ tại các điểm găng đoạn km 13+150 - km 13+300, xã Ân Tường Đông, các hộ dân đã khai thác cây trồng trên đất, nhưng chưa thống nhất nhận tiền và cản trở thi công, huyện đã lập phương án tổ chức cưỡng chế thu hồi đất. Đối với các điểm găng đoạn km 16+600 - km 17+100, xã Ân Tường Đông còn vướng nhà dân, đất vườn - đây là phần mặt bằng tăng thêm mới bàn giao ngày 27.6.2023, nên huyện tổ chức kiểm đếm, thống kê chậm hơn những nơi khác, dù vậy dự kiến sẽ thông qua phê duyệt phương án chi trả cho người dân cuối tháng 9.2023. Chúng tôi cam kết sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu vào tháng 10.2023.
Dù vậy ở huyện Hoài Ân vẫn chưa hết vướng, do đến nay chủ đầu tư vẫn còn đang làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng đối với diện tích tăng thêm tại vị trí sẽ thi công mái taluy tuyến chính đoạn đi qua xã Ân Tường Đông. Do đó huyện chưa có cơ sở triển khai phương án tận thu gỗ tại khu vực rừng tự nhiên tại đây.
Để bảo đảm tiến độ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư trước ngày 30.10.2023 theo yêu cầu của Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đã chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, thị ủy và chính quyền địa phương nơi có dự án cao tốc đi qua tiếp tục vận động người dân chấp hành chính sách bồi thường, hỗ trợ, tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng thực hiện dự án; khẩn trương giải quyết dứt điểm các khiếu nại, kiến nghị của người dân, các vướng mắc về mặt bằng theo đề nghị của chủ đầu tư.
HẢI YẾN