Văn hóa giao thông!
Sau nhiều nỗ lực của chính quyền và các ngành chức năng, thời gian gần đây tình hình an toàn giao thông (ATGT) đã đạt được những kết quả tích cực trên cả ba tiêu chí, đó là giảm thiểu số vụ, số người chết, số người bị thương. Tuy nhiên thực tế giao thông trên các tuyến đường lại bộc lộ nhiều nguy cơ tiềm ẩn rất đáng lo ngại. Biểu hiện dễ thấy ở nhiều nơi là cảnh người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng; các loại xe ô tô thì chở quá tải, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không tuân thủ quy định khi lưu thông trên đường...
Cách đây mấy năm, Ủy ban ATGT có phát động Năm văn hóa giao thông trong cộng đồng xã hội với mong muốn thay đổi và nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa trong giao thông. Theo đó, văn hóa giao thông (VHGT) không phải là một phạm trù trừu tượng mà là vấn đề hết sức cụ thể, đó là việc mỗi người thực hành một cách đúng đắn, tự giác những quy tắc ứng xử khi đi đường, bao gồm chấp hành luật lệ giao thông và những chuẩn mực đạo đức khi giao thông. Khi tất cả mọi người đi đường đều biết cách thực hành kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn, tham gia giao thông đúng luật thì hoạt động giao thông sẽ diễn ra trong trật tự, an toàn, tai nạn giao thông sẽ giảm xuống mức tối thiểu.
Tuy nhiên, thực tế môi trường giao thông ở nước ta hiện nay cho thấy VHGT là điều còn rất hạn chế. Tình trạng thiếu tự giác chấp hành luật giao thông mỗi khi tham gia giao thông vẫn còn phổ biến với các hành vi phổ biến như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, lấn làn, chở quá tải, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, không thắt dây an toàn khi lái xe ô tô… Có nhiều lý do của sự yếu kém về văn hóa giao thông, trong đó trước hết là ý thức tự giác kém của bản thân người đi đường; tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác cũng không kém là việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực này chưa tốt, tình trạng xử lý chưa nghiêm các vi phạm còn nhiều.
Trong bối cảnh bức tranh giao thông còn nhiều mảng tối như hiện nay thì cần phải tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về VHGT, từng bước hình thành nếp sống có VHGT trong cộng đồng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã chỉ rõ: Trong xây dựng văn hóa phải lấy xây dựng, phát triển con người có nhân cách, đạo đức, có lối sống tốt đẹp làm trọng tâm; lấy xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, cộng đồng và xã hội làm cốt lõi. Theo định hướng này, việc xây dựng con người có VHGT và hình thành nếp sống VHGT chính là góp phần xây dựng con người Việt Nam có lối sống đẹp, môi trường văn hóa cộng đồng lành mạnh là cơ sở để xây dựng đời sống văn minh, hạnh phúc cho mọi người.
HẢI ĐĂNG