Thúc đẩy chuyển đổi số ở ngành nông nghiệp
Tại tỉnh Bình Định, ngành nông nghiệp đang triển khai nhiều nhiệm vụ chuyển đổi số phục vụ cho công tác quản lý, trong đó đáng chú ý là các ứng dụng theo dõi diễn biến rừng, phát hiện và cảnh báo sớm các biến động về rừng và đất lâm nghiệp. Đồng thời, xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung về cơ sở chăn nuôi, dịch bệnh, thức ăn chăn nuôi, xây dựng và triển khai phần mềm quản lý thiên tai... Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp còn hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, HTX, tổ hợp tác đưa nhóm hàng nông sản chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, còn cập nhật, và quản lý hồ sơ cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện trực tuyến trên cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT). Đến nay, đã cấp 7 mã số vùng trồng cho gần 54 ha đậu phụng, dưa lê, bưởi... trong tỉnh.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế. Là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, DN sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất”.
Cán bộ công nghệ thông tin của VNPT Bình Định đang vận hành phần mềm quản lý công tác phòng chống thiên tai của tỉnh. Ảnh: A.N
Để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh truyền thông, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, triển khai nhiều mô hình khuyến nông, trong đó nhấn mạnh lợi ích của việc ứng dụng công nghệ vào quản lý, sản xuất và tổ chức tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh chuyển đổi số; xem đây là tiền đề cho quá trình chuyển đổi số của ngành nông nghiệp. Cùng với đó còn phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ TT&TT và các DN viễn thông nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung trong nông nghiệp (đất đai, cây trồng, vật nuôi, vùng canh tác, người sản xuất, lượng nông sản...). Đồng thời, khuyến khích các cá nhân, DN số hóa quy trình sản xuất, hướng tới tích hợp và minh bạch hóa sản phẩm bằng hệ thống đọc mã QR.
A.N