Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp
Sau 4 năm triển khai, Ðề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Ðịnh giai đoạn 2019 - 2025 đã gặt hái kết quả bước đầu, một số sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh vẫn còn mang tính phong trào.
TS Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc Sở KH&CN, Giám đốc Trung tâm Khám phá khoa học và Ðổi mới sáng tạo tỉnh, có một số ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề này.
Ngày 28.8.2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3043/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KN-ĐMST) tỉnh Bình Định, giai đoạn 2019 - 2025 (gọi tắt là Đề án 3043). Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2025, sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn về KN-ĐMST cho hơn 1.000 lượt cá nhân, doanh nhân KN-ĐMST. Hỗ trợ ươm tạo KN-ĐMST tại các tổ chức ươm tạo trên địa bàn tỉnh cho 100 ý tưởng. Hình thành mạng lưới các nhà tư vấn khởi nghiệp (khoảng 50 chuyên gia tư vấn) và mạng lưới các nhà đầu tư khởi nghiệp (khoảng 100 nhà đầu tư). Tuyển chọn ít nhất 25 DN KN-ĐMST tiêu biểu để hỗ trợ phát triển thành DN ĐMST, trong đó có 20% DN đủ khả năng gọi vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh…
● Đến nay, ông có thể chia sẻ kết quả đạt được của đề án so với mục tiêu đặt ra?
- Để Đề án đạt hiệu quả cao, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ KN-ĐMST tỉnh; cải tạo, nâng cấp khu không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp (Bihub) làm điểm giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cho cộng đồng khởi nghiệp tỉnh. Đồng thời, từ năm 2019 - 2022, tổ chức nhiều cuộc thi KN-ĐMST, thu hút 91 hồ sơ tham dự, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thông tin và dịch vụ chiếm tỷ lệ cao.
Từ năm 2022, Sở KH&CN không trực tiếp tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, chỉ tập trung thực hiện chương trình ươm tạo, cố vấn tăng tốc cho các dự án KN-ĐMST. Phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh… tổ chức cuộc thi tại đơn vị, nhằm tìm kiếm dự án, ý tưởng có tiềm năng đưa vào chương trình ươm tạo.
Đến năm 2022, Sở KH&CN đã ươm tạo được 16 ý tưởng, dự án và cố vấn tăng tốc cho 2 DN. Năm 2023, đơn vị thực hiện chương trình ươm tạo cho 10 dự án, ý tưởng và cố vấn tăng tốc cho 3 DN. Ngoài ra, hỗ trợ ươm tạo thêm 40 ý tưởng (23 ý tưởng của sinh viên và 17 ý tưởng của thành viên các hội, hiệp hội).
Từ năm 2019 đến nay, Sở KH&CN đã tổ chức 4 sự kiện Ngày hội khởi nghiệp, thu hút hơn 2.000 lượt người tham dự, với 138 gian hàng được trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm KH&CN, OCOP và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Hằng năm, Sở còn tổ chức các khóa đào tạo HLV, cố vấn khởi nghiệp và nhà đầu tư thiên thần cho khởi nghiệp sáng tạo. Đến nay, có 25 nhà tư vấn tham gia vào mạng lưới tư vấn khởi nghiệp, 13 nhà đầu tư tham gia vào mạng lưới đầu tư tại tỉnh.
● Vậy có bao nhiêu dự án tìm được chỗ đứng trên thị trường, thưa ông?
- Đến tháng 9.2023, có 10 DN khởi nghiệp có tính chất ĐMST được đánh giá thông qua hệ thống cuộc thi, chương trình cố vấn tăng tốc. Đáng chú ý, một số DN đã kêu gọi vốn thành công, điển hình là Công ty CP Bidicomed đã gọi được 840 triệu đồng; Công ty TNHH Dulah gọi được 24 tỷ đồng (đã giải ngân 3 tỷ đồng cho giai đoạn 1); đặc biệt HTX Sản xuất Nấm Anvies đã xuất khẩu thành công sang thị trường Mỹ và Úc...
● Dù vậy, đến nay hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh ta vẫn còn mang tính phong trào…
- Như tôi đề cập ở trên, công tác triển khai Đề án 3043 đến nay đạt hầu hết các chỉ tiêu về tổ chức đào tạo, tập huấn về KN-ĐMST, hỗ trợ hoạt động ươm tạo…, nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh ta phát triển chưa thật sự như mong muốn bởi đến giờ 100% đội ngũ chuyên gia đến từ bên ngoài. Mặc dù đã hình thành các tổ chức mới để hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng chưa hình thành được các khu làm việc chung, còn thiếu không gian chung với quy mô lớn, khu ươm DN khởi nghiệp...
Công ty CP Dịch vụ KH&CN Bình Định (hoạt động Famtrip) là một trong những DN hình thành từ Đề án 3043. Ảnh: TRỌNG LỢI
Nguyên nhân là do các đầu mối hỗ trợ khởi nghiệp triển khai một cách riêng lẻ, như: Sở KH&CN triển khai Đề án 3043, Hội Phụ nữ tỉnh triển khai Đề án 939 - hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025, Tỉnh đoàn triển khai Đề án 1665 - hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, CLB Đầu tư khởi nghiệp hoạt động theo hướng dẫn của Trung ương Đoàn... Điều này khiến có nhiều nội dung, đối tượng hỗ trợ bị trùng lắp, chưa mang tính chất chuyên sâu, chưa tạo ra sự thúc đẩy lớn.
● Để các chỉ tiêu của Đề án về đích đúng lộ trình, từ nay đến năm 2025, Sở sẽ tập trung triển khai các giải pháp nào, thưa ông?
- Hiện nay, DN KN-ĐMST, DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ tiên tiến, mô hình kinh doanh mới ở tỉnh Bình Định rất ít. Hơn nữa, tiêu chí đánh giá DN KN-ĐMST chưa rõ ràng, là nguyên nhân khiến việc thu hút nhà đầu tư, đầu tư vào lĩnh vực KN-ĐMST còn hạn chế. Do đó, từ nay đến năm 2025, Sở KH&CN tập trung hỗ trợ các nhóm KN-ĐMST khi thành lập DN và các DN khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu. Đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ về pháp lý, kế toán, tư vấn, đặc biệt là truyền thông.
Cùng với đó sẽ hỗ trợ DN KN-ĐMST tiếp cận các nguồn quỹ phát triển KH&CN và khởi nghiệp sáng tạo từ những chương trình của các bộ, ngành, Chính phủ... Thúc đẩy kết nối DN, tạo điều kiện cho DN tham gia các hoạt động KN-ĐMTS. Vận động các startup tham gia các sự kiện kết nối cung - cầu về công nghệ, kết nối khởi nghiệp sáng tạo...
● Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)