Trung Quốc khai trương tuyến đường sắt cao tốc vượt biển với tốc độ 350km/h
Ngày 28.9, tuyến đường sắt cao tốc vượt biển đầu tiên có tốc độ thiết kế tối đa 350 km/h của Trung Quốc chính thức đi vào hoạt động tại tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Nam nước này.
Với tổng chiều dài 277 km, tuyến đường sắt cao tốc này khởi hành từ thủ phủ Phúc Châu, đi qua các thành phố Phủ Điền, Tuyền Châu, Hạ Môn và kết thúc ở thành phố Chương Châu. Tuyến đường này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Phúc Châu và Hạ Môn xuống tối đa 55 phút trong nỗ lực tăng cường kết nối giữa hai thành phố lớn của tỉnh Phúc Kiến.
Tàu cao tốc Phục Hưng (Fuxing) chạy thử trên tuyến đường sắt cao tốc vượt biển Phúc Châu-Hạ Môn ngày 4.9.2023. Ảnh: VCG
Theo Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc, đường sắt cao tốc Phúc Châu-Hạ Môn là tuyến đường sắt thông minh tiếp theo được hoàn thành và đưa vào khai thác ở nước này, sau đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Trương Gia Khẩu và Bắc Kinh-Hùng An. Điều này đánh dấu một bước tiến mới trong việc thông minh hóa công nghệ đường sắt cao tốc của Trung Quốc, tạo động lực mới cho việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh ở nước này.
Tuyến đường sắt này áp dụng các công nghệ xây dựng thông minh như công nghệ BIM dựa trên mô hình thông tin số, sử dụng hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu (BeiDou), robot thông minh và vật liệu thân thiện với môi trường khi xây dựng các cây cầu vượt biển. Hệ thống chỉ huy và điều độ thông minh cũng được sử dụng để đảm bảo các đoàn tàu đúng lịch trình và hoạt động hiệu quả. Một hệ thống phân tích dữ liệu lớn có thể giám sát và báo cáo các tình huống thiên tai có thể xảy ra, đảm bảo vận hành an toàn cho từng đoàn tàu trên tuyến.
Việc khai trương và đưa vào sử dụng tuyến đường sắt cao tốc Phúc Châu-Hạ Môn sẽ kết nối các cụm thành phố ven biển phía Đông Nam Trung Quốc thành “vành đai du lịch vàng”. Trong khi đó, chuyên gia nước này cho rằng, việc khai trương tuyến đường sắt này còn cho thấy Trung Quốc có khả năng công nghệ xây dựng các tuyến đường sắt xuyên eo biển Đài Loan. Đây có thể là nền tảng của tuyến đường sắt xuyên eo biển trong tương lai.
Theo Bích Thuận (VOV)