Mỹ tham gia sứ mệnh giám sát quốc tế ở khu vực Nagorny-Karabakh
Các quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Azerbaijan trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo và hàng chục nghìn người đã rời khỏi Nagorny-Karabakh.
Người dân chờ sơ tán khỏi thành phố Stepanakert, Nagorny-Karabakh ngày 26.9.2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 27.9, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác trong những ngày tới để thực hiện sứ mệnh giám sát quốc tế ở khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh sau khi xảy ra xung đột hồi tuần trước.
Cùng ngày, các quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Azerbaijan trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo và hàng chục nghìn người đã rời khỏi Nagorny-Karabakh.
Dự kiến, trong cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Ilham Aliyev, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power cùng quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu Yury Kim sẽ thảo luận tình hình nhân đạo ở Nagorny-Karabakh và tầm quan trọng của việc Azerbaijan tuân thủ những cam kết đã đưa ra.
Bà Power cũng sẽ tập trung vào triển vọng về một nền hòa bình lâu dài giữa Azerbaijan và Armenia.
Trước đó, trong chuyến thăm Armenia đầu tuần này, Giám đốc USAID nhấn mạnh Mỹ sẽ hỗ trợ nước này và điều cần thiết là cộng đồng quốc tế có thể tiếp cận khu vực Nagorny-Karabakh trong bối cảnh lo ngại về tình hình nhân đạo tại vùng lãnh thổ này.
Cũng trong ngày 27.9, Armenia cho biết 50.243 người, tương đương hơn 30% dân số khu vực Nagorny-Karabakh đã đến nước này.
Ngày 19.9, Azerbaijan đã triển khai chiến dịch quân sự tại Nagorny-Karabakh.
Một ngày sau đó, với vai trò trung gian của Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại đây, đại diện Azerbaijan và lực lượng vũ trang người gốc Armenia tại vùng lãnh thổ này đã đạt được thỏa thuận chấm dứt các hành động thù địch, theo đó các lực lượng Armenia tại vùng lãnh thổ này chấp nhận giải giáp vũ khí.
Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia và muốn sáp nhập vào nước này. Việc này đã gây ra tranh chấp chủ quyền dai dẳng giữa hai nước láng giềng.
Theo Đoàn Hùng-Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)