Tìm giải pháp thực thi chính sách cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Sáng 28.9, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST) đã tổ chức Hội nghị thường niên và Hội thảo "Giải pháp thực thi chính sách cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ" tại Thái Bình.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao vai trò của Hiệp hội trong thời gian qua đã tập hợp, huy động được nhiều doanh nghiệp tiêu biểu tham gia, trong đó có những doanh nghiệp “đầu đàn” trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Hiệp hội cũng chú trọng tổ chức kết nối, xúc tiến đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp hội viên, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội; có nhiều đóng góp ý kiến về cơ chế chính sách với cơ quan chức năng; kết nối các nhà khoa học, trường học, viện nghiên cứu để thương mại hóa nghiên cứu; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi, quyền lợi ích hợp pháp của hội viên…
Tôn vinh 10 doanh nghiệp KHCN thuộc Hiệp hội doanh nghiệp KHCN Việt Nam xuất sắc nhất.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST), Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, những thành tựu nói trên ghi nhận sự đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khoa học công nghệ với tỷ lệ đầu tư và năng suất hoạt động khoa học công nghệ khá cao. Tuy nhiên, việc thương mại hóa sản phẩm ra thị trường của nhiều doanh nghiệp chưa đạt kết quả như mong muốn, việc kết nối, chia sẻ hợp tác, chuyển giao công nghệ còn hạn chế, dẫn đến không đạt hiệu quả trong kinh doanh cao và việc tái đầu tư theo yêu cầu.
Nhấn mạnh đến Nghị định 13/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học công nghệ, Chủ tịch VST Hoàng Đức Thảo cho rằng, sự ra đời của Nghị định là một bước đột phá về cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp khoa học công nghệ với các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, tín dụng… Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nghị định này, kết quả mang lại cho các doanh nghiệp còn rất hạn chế, rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, được thể hiện qua ý kiến khảo sát của các doanh nghiệp thành viên VST.
Kết quả khảo sát của VST đối với 167 doanh nghiệp thành viên cho thấy, đa số các doanh nghiệp khoa học công nghệ không được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 13. Cụ thể, mới chỉ có 6 doanh nghiệp được ưu đãi theo Nghị định 13 với tổng số tiền ưu đãi là 91 tỷ đồng. Trong khi đó, 18 doanh nghiệp chưa biết tiếp cận cơ chế ưu đãi như thế nào. 1 doanh nghiệp có doanh thu sản phẩm khoa học công nghệ không đủ tỷ lệ 30% để nhận ưu đãi. 141 doanh nghiệp chưa được hưởng ưu đãi.
Đánh giá về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed cũng chia sẻ khó khăn, vướng mắc lớn nhất là trong vấn đề thực hiện thương mại hóa sản phẩm. Như vấn đề công nhận giống cây trồng mới còn chậm trễ do thay đổi của Luật Trồng trọt. Ngân sách cho hoạt động khoa học công nghệ còn rất ít, trong khi thủ tục còn nhiều và khó giải ngân; nguồn nhân lực phục vụ hoạt động khoa học công nghệ còn thiếu và yếu. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực.
Theo Thạc sĩ Phan Thị Mỹ Yến - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội VST, Hiệp hội rất mong các cơ quan ban ngành phối hợp hỗ trợ và tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam, trong đó có chính sách ưu đãi, chính sách đầu tư đổi mới công nghệ, cơ chế xét duyệt cấp chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ. Từ đó khích lệ các doanh nghiệp xem khoa học công nghệ là nguồn động lực và tích cực đầu tư, nghiên cứu phát triển tạo ra các sản phẩm, công nghệ đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu thị trường và đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Theo ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian qua Nhà nước đã ban hành một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp khoa học công nghệ như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm tiền thuê đất, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm khoa học công nghệ của doanh nghiệp khoa học công nghệ được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước…
Về kế hoạch phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ năm 2023-2025, ông Đích cho biết, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang lập đề xuất xây dựng Luật sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ, dự kiến trình trong năm nay; nghiên cứu, hoàn thiện và đề xuất sửa đổi các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Bộ sẽ tham mưu, kiến nghị Chính phủ ban hành chương trình phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ một cách cụ thể và rõ ràng kèm theo cơ chế tài chính hỗ trợ, đồng thời hỗ trợ kết nối các nhà khoa học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình ươm tạo, hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án nghiên cứu, đổi mới công nghệ từ Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia và Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình cấp chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.
(Theo NAM NGUYỄN/NDO)