Phù Mỹ: Tích cực tiếp sức phát triển OCOP
Năm 2023, huyện Phù Mỹ tổ chức phân hạng và đánh giá sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Kết quả, có 24/25 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp huyện hạng 3 sao, nâng số lượng sản phẩm OCOP lên 45 sản phẩm, trong đó có 38 sản phẩm hạng 3 sao và 7 sản phẩm 4 sao.
Sau nhiều năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP ở Phù Mỹ thu được nhiều kết quả tích cực, nổi bật là tăng thu nhập và tạo việc làm. Nhiều sản phẩm OCOP mang đặc trưng bản địa, gắn với vùng đất, con người, góp phần làm đậm thêm sức mạnh cộng đồng, tập thể ở khu vực nông thôn. Có thể kể tới chình mun Châu Trúc, bí đao Chánh Trạch, muối sạch Mỹ Thành, bánh - bún khô Minh Phúc Thịnh, nấm hữu cơ Agribio…
Huyện Phù Mỹ trưng bày sản phẩm OCOP năm 2023. Ảnh: Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ
Bám sát theo bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, huyện Phù Mỹ tổ chức hướng dẫn cụ thể, nhiệt tình tư vấn cho các đơn vị sản xuất đầu tư, phát triển sản phẩm phù hợp. Để được công nhận là sản phẩm OCOP, ngoài việc phải đảm bảo các tiêu chí về tổ chức sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, còn có thêm nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật khác về bao bì, mẫu mã, chất lượng sản phẩm và tính cộng đồng.
Chị Chu Thị Thuyên, chủ cơ sở sản xuất bún bánh phở khô Minh Phúc Thịnh, ở xã Mỹ Châu, chia sẻ: Rất ít người biết cùng với chất lượng, bao bì, mẫu mã, để được công nhận là sản phẩm OCOP chúng tôi còn phải chứng minh được tính cộng đồng trong sản phẩm. Ví dụ, tôi thành lập cơ sở sản xuất, nhờ đó tạo việc làm ổn định cho nhiều người dân địa phương; cơ sở của tôi có hợp đồng liên kết với bà con nông dân trong mua bán nông sản. Phải đầu tư rất nhiều nhưng đổi lại với nhãn OCOP sản phẩm của cơ sở tăng được mức độ dễ nhận diện, người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.
Hay như ông Võ Tuấn Tú, chủ cơ sở nuôi chình mun ở Châu Trúc, xã Mỹ Châu, chia sẻ: Chình mun Châu Trúc là sản vật địa phương được sử sách ghi danh, người tiêu dùng đánh giá rất cao khi về thăm vùng đầm Trà Ổ. Nhưng với việc được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, gia đình tôi có thêm cơ hội phát triển nghề nuôi chình mun. Tôi đã đầu tư 4 ao nuôi/20.000 m2 nuôi chình mun khép kín, mỗi năm thu hoạch trên 4 tấn chình thương phẩm. Nhờ đó, cuộc sống gia đình tôi khấm khá hẳn lên. Tôi còn tổ chức dịch vụ và chế biến các món ăn từ chình mun phục vụ du khách, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Để nâng tầm giá trị cũng như tăng mức độ tiếp cận với thị trường tiêu thụ, các chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở Phù Mỹ đang cùng nhau hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đánh giá đúng hiệu quả của bước đi này, huyện Phù Mỹ chủ động thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực. Đơn cử như huyện lồng ghép các nguồn lực để tạo đà cho các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện để tiếp cận với tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện; tổ chức xúc tiến quảng bá sản phẩm tại phiên chợ hàng nông sản, trưng bày sản phẩm OCOP, cùng tìm kiếm đối tác cho cơ sở.
Tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện là bước để huyện đánh giá chính xác hơn các sản phẩm sản xuất tại Phù Mỹ. Từ những đợt đánh giá này, huyện ghi nhận trình độ, năng lực sản xuất, nhu cầu của chủ thể OCOP, cả nhu cầu của người dân trong tiêu dùng để từ đó phân bổ nguồn lực đầu tư tốt hơn. Dự kiến từ năm 2024 trở đi, huyện sẽ đầu tư để mỗi năm có thể tổ chức 2 phiên chợ nông sản địa phương với mục đích kích cầu sản phẩm OCOP. Nguồn lực của địa phương còn hạn chế, song thông qua huy động, huyện lồng ghép các nguồn vốn ưu đãi, phát triển kinh tế nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP, vốn ủy thác và các vốn chương trình khác.
Ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: Từ năm 2021 đến nay, các hộ sản xuất kinh doanh trong huyện đã được vay hơn 493 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Huyện sẽ nỗ lực để các hộ được vay nhiều hơn. Sắp tới, Phù Mỹ sẽ phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch biển, du lịch tâm linh và đặc biệt là du lịch vùng đầm Trà Ổ. Tôi tin sản phẩm OCOP của Phù Mỹ sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển bền vững.
THU DỊU