Kỹ năng thoát nạn cần thiết khi ở chung cư, nhà cao tầng
Lúc 23 giờ 22 phút ngày 12.9, xảy ra vụ cháy nhà dân (9 tầng, 1 tum) tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người thương vong.
Đặc điểm chung các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người thường xảy ra đêm khuya hoặc rạng sáng, khi người dân đang ngủ say. Nguyên nhân dẫn đến tử vong nhiều nhất khi có sự cố là do hít phải khói khí độc sinh ra khi có cháy, nổ. Vì vậy, điều tiên quyết khi có cháy là cần bình tĩnh, suy xét để tìm lối thoát nạn an toàn để thoát ra ngoài.
Việc trang bị kỹ năng thoát hiểm; thiết kế các đường “thoát nạn” và trang bị dụng cụ thoát hiểm, phương tiện chữa cháy (thang dây, mặt nạ phòng độc, kìm, búa tạ, bình chữa cháy xách tay…) đối với mỗi ngôi nhà là hết sức cần thiết. Trong tình huống khẩn cấp, chúng ta có thể sử dụng các kỹ năng thoát hiểm, phương tiện, dụng cụ thoát hiểm để giải cứu cho bản thân và những người trong gia đình.
Để giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ gây ra, đảm bảo an toàn PCCC&CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CA tỉnh khuyến cáo các kỹ năng thoát nạn cần thiết đối với chung cư, nhà cao tầng, nhà trọ như sau:
Kỹ năng 1: Bình tĩnh. Khi thấy cháy, nổ, phải thật bình tĩnh xác định ngọn lửa và nguồn khói, ổn định tâm lý để tìm cách rời đi càng nhanh chóng và an toàn càng tốt. Khói trong đám cháy sẽ cản trở tầm nhìn, để tránh bị ngạt khói và dễ nhìn hơn, hãy di chuyển ra ngoài bằng cách bò sát mặt đất và men bờ tường để tìm lối thoát nạn nhanh nhất. Nếu không thể vào một lối thoát an toàn hoặc nhận được sự trợ giúp của người khác, bạn có thể thoát ra từ cửa sổ, ban công hay nhảy qua mái nhà bên cạnh. Tuyệt đối không núp trong nhà vệ sinh.
Kỹ năng 2: Nên bịt khăn có thấm nước lên miệng, mũi để tránh ngạt khí và quấn chăn thấm nước lên người để tránh cháy quần áo, bỏng da. Đồng thời, dùng chăn ẩm ướt hoặc băng dính bịt kín các khe cửa để tránh khói, khí độc tràn vào phòng trong lúc tìm cách thoát thân và chờ lực lượng chữa cháy, cứu nạn. Trong trường hợp quần áo bị cháy, hãy dừng di chuyển, nằm xuống và lăn qua lại liên tục cho đến khi ngọn lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió sẽ làm lửa cháy nhiều hơn.
Kỹ năng 3: Mỗi gia đình nên tự trang bị phương tiện chữa cháy, bình chữa cháy để tự chữa cháy khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Đồng thời, mở lối cửa thoát hiểm ra ngoài trên các chuồng cọp, lồng sắt, ban công và không sắp xếp hàng hóa, đồ đạc, tài sản cản trở lối thoát nạn.
Kỹ năng 4: Nếu muốn mở cửa, hãy cẩn thận kiểm tra nhiệt độ của cửa trước khi mở bằng mu bàn tay. Khi mở cửa, cần tránh sang một bên để tránh trường hợp lửa tạt vào người.
Kỹ năng 5: Tuyệt đối không chen lấn xô đẩy, không sử dụng thang máy để thoát nạn vì khi có sự cố cháy, nổ nguồn điện sẽ bị cắt nên thang máy sẽ bị dừng. Bạn cần bình tĩnh di chuyển theo đường cầu thang bộ.
Kỹ năng 6: Cần di chuyển ra ngoài ban công, cửa sổ và gọi to để cầu cứu. Bên cạnh đó, để thu hút sự chú ý từ mọi người, hãy dùng khăn, áo, mũ để vừa hô cứu vừa ra hiệu cầu cứu. Đồng thời, gọi điện cho Cảnh sát PCCC qua số 114. Khi có lực lượng đến cứu, bạn phải bình tĩnh, chú ý làm theo hướng dẫn.
Kỹ năng 7: Khi xảy ra cháy, nổ tại những nơi tập trung đông người như trung tâm thương mại, siêu thị, rạp chiếu phim… việc đầu tiên phải thật bình tĩnh tìm cách hoặc tuân theo sự chỉ dẫn của nhân viên để thoát ra khỏi tòa nhà qua các lối thoát nạn như cầu thang bộ, đường thoát nạn có biển chỉ dẫn thoát nạn “EXIT”.
B.B.Đ (Theo congan.binhdinh.gov.vn)