Tạo thêm động lực cho những ấp ủ tươi đẹp
Tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV - năm 2023 tổ chức ở Bình Định, tôi được dịp gặp, trò chuyện với nhiều nghệ nhân, những người miệt mài giữ gìn, trao truyền văn hóa truyền thống. Có thể kể đến các nghệ nhân như nghệ nhân nhân dân (NNND) Đinh Chương (Bình Định), nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Kray Sức (Quảng Trị), NNƯT Nguyễn Văn Cư (Ninh Thuận)...
Nghệ nhân Kray Sức.
Trong đêm trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, đứng sau ban giám khảo, tôi được nghe giới thiệu rất rõ ràng về nghệ nhân Kray Sức khi đến phần biểu diễn của đoàn Quảng Trị. Nghệ nhân Kray Sức (SN 1964) là người dân tộc thiểu số đầu tiên của Quảng Trị được trao danh hiệu NNƯT. Ông không chỉ miệt mài nghiên cứu, gìn giữ văn hóa của dân tộc mình - dân tộc Pa Cô - mà còn góp phần gìn giữ văn hóa đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều. Ông không ngại đi khắp nơi để ghi chép, sưu tầm, biên soạn các kịch bản cồng chiêng, nghi thức lễ hội, các làn điệu dân ca, sáng tác lời bài hát trên các làn điệu dân ca của dân tộc mình...
Nghe giới thiệu về nghệ nhân Kray Sức, cá nhân tôi hết sức bất ngờ. Tôi giữ mối liên hệ khá thường xuyên với một số nghệ nhân dân gian người dân tộc thiểu số trong tỉnh và được biết, nỗ lực giữ gìn di sản thường chỉ trong phạm vi dân tộc họ. Đây là lần đầu tiên tôi nghe đến chuyện có người mở lòng sang với dân tộc thiểu số khác. Thật không ngoa khi nhắc tới nghệ nhân Kray Sức, người giới thiệu đã dùng đến chữ “phi thường” và cho rằng những nghệ nhân như vậy đáng được trân quý nhiều hơn, nên có cơ chế hỗ trợ để tiếp thêm năng lượng cho họ. Nói cách khác, là gián tiếp tiếp thêm năng lượng cho di sản.
Rõ ràng, bản sắc văn hóa từng dân tộc tô đậm nét đẹp của văn hóa, quê hương, con người từng địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung.
T. YÊN