Văn học thiếu nhi Bình Ðịnh: Những tín hiệu vui
Hoàn toàn không hề ngẫu nhiên mà giữa tháng 9.2023, NXB Kim Ðồng đã chọn Quy Nhơn - Bình Ðịnh là điểm đến đầu tiên để tổ chức gặp gỡ, giao lưu với các cây bút và những người quan tâm đến sáng tác cho thiếu nhi, động thái được xem là khởi động cho Giải thưởng Kim Ðồng.
Đoàn NXB Kim Đồng chụp ảnh lưu niệm cùng các tác giả viết cho thiếu nhi của Bình Định. Ảnh: V.P
Lực lượng sáng tác cho văn học thiếu nhi ở tỉnh Bình Định ngày càng dày dặn với những cái tên nổi trội như: Nguyễn Mỹ Nữ, Bùi Thị Xuân Mai, Mộc An (Nguyễn Thị Nguyệt Trinh), Nguyễn Đặng Thùy Trang, Mai Đậu Hũ… Tại cuộc gặp gỡ, giao lưu do Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng và Hội VHNT Bình Định phối hợp tổ chức, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Mộc An, nhà văn Nguyễn Đặng Thùy Trang và TS Lê Nhật Ký xung quanh vấn đề “viết cho thiếu nhi đọc”.
Nhà văn NGUYỄN ĐẶNG THÙY TRANG: Những dịu mát trong tâm hồn
Nguyễn Đặng Thùy Trang là cây bút thế hệ 9x quan tâm đến mảng thiếu nhi khá sớm so với các bạn viết đồng trang lứa. Trang đã in 2 tập truyện: Xương cá biết nói (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2020) và Đậu Đậu, Sâu Sâu & Be Bé (NXB Đà Nẵng & TYM, 2022; viết chung với Mộc An).
● Chị đã có 2 tập truyện dễ thương, và niềm cảm hứng viết cho các bé vẫn còn được vun đắp chứ…
- Viết cho thiếu nhi mang đến nhiều cảm xúc, làm dịu mát lòng mình. Từ khi làm mẹ, tôi càng chú tâm hơn mảng sáng tác này. Viết cho thiếu nhi cần một trái tim trong sáng, hồn nhiên. Bên cạnh đó, theo đuổi sáng tác cho thiếu nhi cần phải có thời gian đọc và trau dồi. Nội dung không chỉ là tình cảm thân thương, trong sáng, hồn nhiên mà còn phải độc đáo ở cách thể hiện, đặc biệt người viết còn tránh lặp lại mình. Chính điều này làm nên cái hay và cũng là cái khó của sáng tác cho thiếu nhi. Thiếu nhi luôn có nhu cầu đọc và nội dung đọc thay đổi theo từng giai đoạn, cũng nên chú ý nhu cầu của các em.
● Ở mảng viết cho thiếu nhi, chị có nghĩ đến việc mở rộng biên độ sáng tác của mình?
- Viết cho thiếu nhi rất khó nên tôi nghĩ mình trước mắt vẫn chỉ nên ở lại với mảng truyện ngắn. Hiện tại, tôi đang dừng lại vì tự thấy nội dung mình viết ra chưa đủ mới và cuốn hút. Trong tương lai, tôi muốn tìm cách thể hiện mới cho tác phẩm thiếu nhi của mình sao cho thật cuốn hút cũng như khai thác thêm để tạo độ sâu, làm tác phẩm đầy đặn hơn.
Nhà văn MỘC AN: Cơ hội đến từ tình yêu và sự kiên trì…
Những năm gần đây, cái tên Mộc An xuất hiện với tần suất khá dày. Cuối năm 2022, chị tạo bất ngờ khi ra mắt bạn đọc cùng lúc 2 tác phẩm viết cho thiếu nhi: Tập truyện Nếu một ngày chúng tớ biến mất (NXB Kim Đồng) và tập thơ Cây cầu lấp lánh (NXB Trẻ). Năm 2023, chị tạo sự chú ý khi ra mắt tập truyện Nhạc sĩ đường phố (NXB Kim Đồng). Đồng thời, chị nhận được niềm vui lớn khi xuất sắc giành giải Khát vọng Dế Mèn do Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tổ chức với bản thảo truyện dài Ở một nơi có rất nhiều rồng. Tập bản thảo này cũng đang được NXB Kim Đồng lên kế hoạch in ấn, phát hành.
● Chúc mừng chị với những niềm vui với thiếu nhi. Chị khá có duyên với NXB Kim Đồng…
- Với NXB Kim Đồng, tôi vẫn tin rằng có chút duyên. Tôi từng gửi bản thảo đi vài nơi, và bị từ chối. Với Kim Đồng tôi cũng bị từ chối bản thảo đầu tiên (sau này in chung với Thùy Trang thành cuốn Đậu Đậu, Sâu Sâu & Be Bé), nhưng lời từ chối lại đầy dịu dàng và động viên nên tôi tiếp tục viết, đến bản thảo thứ hai Chuyện nàng Ốc Sên ăn chay (sau này phát triển thành Nếu một ngày chúng tớ biến mất) thì được chấp nhận. Niềm vui của việc được viết, được in, thêm vào đó là niềm vui bất ngờ đến từ giải thưởng Khát vọng Dế Mèn khiến tôi có nhiều động lực hơn. Tôi mong sẽ hợp tác lâu dài với Kim Đồng.
Viết cho thiếu nhi, có thể bắt đầu từ những truyện ngắn, nhỏ, nuôi dưỡng cảm hứng, bút lực viết dài hơn, chấp nhận sự thật không phải tác phẩm nào cũng hay, bản thảo cũng có thể bị từ chối, nhưng nếu đủ tình yêu và kiên trì với sự viết, bạn sẽ nhận được niềm vui. Niềm vui trước hết nằm ở bản thân sự sáng tạo.
● Dường như Giải thưởng Kim Đồng tạo thêm nhiều cơ hội và hứng thú cho người viết…
- Giải thưởng Kim Đồng lần này cho thấy tâm huyết rất lớn đối với văn học thiếu nhi. Hy vọng thông qua giải thưởng có thể phát hiện những cây bút mới, tác phẩm mới làm giàu đẹp cho văn học nước nhà. Tôi nghĩ rằng, dù có động lực từ giải thưởng mà viết, hay viết trên tinh thần cống hiến vô tư, thì đều có ý nghĩa, miễn cho ra những thành quả đẹp, đó là tác phẩm.
Tiến sĩ LÊ NHẬT KÝ: Có một tọa độ dành cho bình định…
Bước vào thế giới trẻ thơ là đi vào địa hạt của những hồn nhiên, trong trẻo không bị chi phối bởi cái vụ lợi như người lớn. Vì thế, để giải mã được tác phẩm văn học thiếu nhi, người nghiên cứu đòi hỏi phải tự trang bị cho mình lý thuyết về đối tượng cũng như đặc trưng tâm lý lứa tuổi. Một cách nghiêm cẩn, thấu đáo, TS Lê Nhật Ký đã cập nhật, hệ thống, phân tích tác phẩm của các tác giả viết cho thiếu nhi, nắm rõ dòng chảy của văn học thiếu nhi, nhất là mảng sáng tác này tại Bình Định. Ông là người có nhiều công trình nghiên cứu về văn học thiếu nhi, đặc biệt là chuyên luận Truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại (NXB Giáo dục Việt Nam, 2016).
● Ở mảng văn học thiếu nhi, mấy năm gần đây Bình Định liên tục có thêm nhiều điểm sáng, ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi rất vui! Bình Định tự hào là địa phương có nhiều đóng góp quan trọng đối với lịch sử văn học thiếu nhi Việt Nam. Trước hết, từ rất rất sớm - vào đầu thế kỷ XX, nhà in Làng Sông đã xuất bản những tác phẩm kịch, tiểu thuyết dành cho thiếu nhi. Đáng chú ý, tác phẩm Hai chị em lưu lạc do Phê-rô Lục sáng tác ngay tại Tiểu chủng viện Làng Sông; là tiểu thuyết đầu tiên ở Việt Nam dành cho thiếu nhi. Tiểu thuyết này hiện vẫn hấp dẫn bạn đọc nhờ cốt truyện phiêu lưu và các bài học giáo dục nhẹ nhàng, phù hợp với yêu cầu hình thành nhân cách cho trẻ em.
Sau 1945, Bình Định có nhà văn Phạm Hổ, làm sách cho thiếu nhi ngay tại chiến trường Liên khu V - sách Hoa kháng chiến. Sau 1954, ông ra Bắc tập kết, quyết định trở thành nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi, tham gia sáng lập NXB Kim Đồng (1956), nhiều năm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam. Ông là gương mặt tiêu biểu của Văn học thiếu nhi ở thế kỷ XX, có ảnh hưởng to lớn tới phong trào sáng tác và nhà trường. Và tới hiện tại, mảng sáng tác này đã thu hút nhiều cây bút tham gia hơn với những trội bật đáng trân trọng.
● Như vậy, khi bắt rễ vào một miền đất màu mỡ văn chương như Bình Định, một thế hệ kế cận đáng kỳ vọng đang trổ cành, xanh lá… thưa ông…
- Có thể nói như vậy và nên chung tay chăm bón để ngày càng thêm tốt tươi. Từ những năm đầu thế kỷ XXI, lực lượng viết cho thiếu nhi ở Bình Định ngày một đông hơn, không chỉ sáng tác mà còn có dịch thuật, không chỉ có các cây bút gạo cội như Nguyễn Mỹ Nữ, Bùi Thị Xuân Mai mà còn thu hút nhiều tác giả trẻ tham gia. Đáng ghi nhận là các tác giả như Nguyễn Trần Thiên Lộc, Nguyễn Đặng Thùy Trang, Mai Đậu Hũ, Mộc An… Họ yêu thích thể văn đồng thoại, và đã sáng tác nên nhiều đồng thoại hay - thể hiện rõ nhất là ở các tác phẩm của Mộc An.
Với sự quan tâm của Hội VHNT Bình Định, sự tin tưởng mời gọi hợp tác từ NXB Kim Đồng, Ban tổ chức Đóa hoa đồng thoại, Hội Nhà văn Việt Nam…, tôi tin Bình Định sẽ có thêm nhiều tác giả, tác phẩm văn học thiếu nhi giá trị, đĩnh đạc khẳng định mình trong dòng chảy văn học thiếu nhi Việt Nam.
VÂN PHI (thực hiện)