Ngành gỗ vào đà hồi phục
Mặc dù khó khăn vẫn còn nhưng tình hình hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp gỗ trên địa bàn tỉnh đang dần hồi phục khi các đơn hàng bắt đầu trở lại trong những tháng cuối năm 2023.
Năm 2023 là một năm nhiều khó khăn, các thị trường tiêu thụ lớn như: Mỹ, EU, Anh… vẫn đang chịu tác động lớn của lạm phát, lãi suất cao, kinh tế giảm phát khiến người tiêu dùng siết chặt chi tiêu, và đồ gỗ là một trong món đầu tiên được hầu hết các gia đình chọn loại bỏ khỏi danh mục chi tiêu. Khó khăn chồng thêm khó khăn khi Trung Quốc gia tăng cạnh tranh gay gắt trong ngành gỗ xuất khẩu. Đồng thời, biến động thị trường toàn cầu cũng kéo theo nhiều khó khăn ở môi trường kinh doanh trong nước như: Chi phí đi vay, giá nguyên liệu, vật liệu đầu vào tăng cao, thiếu công nhân…
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, phân tích: Ngay từ đầu năm 2023, chúng tôi xác định đây là giai đoạn khó khăn chưa từng có về đơn hàng, thị trường xuất khẩu. Đa số khách hàng nước ngoài vẫn còn tồn kho lượng hàng rất lớn nên họ giảm đặt hàng. Nhiều khách hàng chuyển sang chiến lược phân bổ rủi ro, đặt mẫu mới cho nhiều dòng hàng, nhiều mã hàng ở nhiều nhà sản xuất khác nhau, hoặc chọn đối tác sản xuất giàu kinh nghiệm, là bạn hàng lâu năm. Tuy nhiên, từ tháng 7.2023, nhờ bắt đầu có đơn hàng trở lại, nhiều DN đẩy mạnh mua gom gỗ nguyên liệu để phục vụ sản xuất.
Một lãnh đạo của Công ty TNHH Tân Phước chia sẻ: Từ tháng 7.2023 đến nay, chúng tôi bắt đầu có đơn hàng mới, tuy chỉ bằng khoảng 70% so với mọi năm nhưng đã đủ tạo khí thế phấn khởi, cho phép duy trì sản xuất ổn định tới tháng 1.2024. Chúng tôi đã gọi 210/380 công nhân trở lại làm việc. Do nghỉ sản xuất khá lâu, một số công nhân tay nghề cao đã chuyển việc hoặc rời khỏi địa phương nên công ty đang đào tạo thêm công nhân, đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Công nhân Công ty TNHH Tân Phước đã quay lại làm việc khi có đơn hàng. Ảnh: HẢI YẾN
Việc có đơn hàng trở lại khiến gỗ nguyên liệu được tiêu thụ khá mạnh. Nếu những tháng đầu năm 2023, lượng gỗ nguyên liệu được các DN sản xuất tiêu thụ chỉ ở mức 200 m3/tháng, thì đến tháng 8, 9.2023, con số này đạt mức 700 - 800 m3/tháng. Theo báo cáo của Sở Công Thương, tháng 9.2023, chế biến gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tăng 152,57% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 43 triệu USD.
Ông Lê Văn Lương, Giám đốc Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành, cho biết: Tình hình đã bắt đầu khá hơn so với hồi đầu năm, chúng tôi lạc quan hơn khi nhiều khách hàng trở lại và nói rõ lượng hàng dự định sẽ đặt trong tương lai gần. Đó là điểm rất tích cực, dù vậy chúng tôi vẫn rất thận trọng, vì mọi thứ vẫn chưa trở lại như cũ. Thăm dò và khảo sát của chúng tôi cho biết, người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu để chờ đợi những tín hiệu khả quan từ nền kinh tế, nếu mọi thứ tiếp tục bình ổn và vào đà phục hồi rõ ràng hơn, nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ sẽ rất lớn - đây là điều cộng đồng DN chờ mong.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, trong số 130 DN sản xuất gỗ ở tỉnh, nhiều DN giữ vai trò quan trọng trong giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, điển hình là: Phú Tài, Tiến Đạt, Đại Thành, Hoàng Hưng, Đức Hải, Đức Toàn, Nghĩa Tín, Năng lượng sinh học Phú Tài, Gia Hân… Các DN thu hút hầu hết các tập đoàn mua sản phẩm gỗ hàng đầu thế giới tại các thị trường Hoa Kỳ, EU, Anh, Úc như: Ashley, Masterbrand Cabinet, Noble House, Walmart, Target, HomeDepot, Kingfisher, JP, OBI… Đơn hàng đang trở lại với ngành chế biến gỗ xuất khẩu nhưng lượng đơn hàng chưa nhiều. Hơn nữa khác với trước, khách hàng yêu cầu rút ngắn thời gian giao hàng, thay đổi mẫu mã và có nhiều điều chỉnh.
Để phát triển sản xuất bền vững, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đang khuyến khích các DN hội viên đầu tư trồng rừng gỗ lớn, hình thành vùng nguyên liệu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC); đầu tư phát triển nhà máy chế biến sâu sau dăm như ván dăm okal, ván MDF, ván ghép thanh; chú trọng phối hợp với Công ty CP Hội chợ ngành gỗ Việt Nam (VIFOREST FAIR) tiến hành công tác chuẩn bị và quảng bá cho công tác tổ chức Hội chợ Triển lãm quốc tế đồ gỗ trong nhà, ngoài trời và trang trí sân vườn tại Bình Định năm 2024; tham gia các Hội chợ triển lãm quốc tế đồ gỗ và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phục vụ ngành gỗ trong nước như HawaExpo 2024, Bifa Wood 2024…
Theo ông Lê Minh Thiện, dù gặp nhiều khó khăn nhưng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định vẫn quyết tâm phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ mức 1 tỷ USD của năm 2022, góp phần hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu toàn tỉnh và ngành gỗ cả nước năm 2023.
Để cụ thể hóa mục tiêu này, cộng đồng DN ngành gỗ Bình Định tập trung vào chiến lược đa dạng hóa thị trường, khách hàng, cấu trúc lại toàn bộ hoạt động của DN theo phương châm “tự lực, tiết kiệm” từ cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất đến tìm kiếm, lựa chọn khách hàng, đơn hàng phù hợp năng lực, điều kiện sản xuất kinh doanh của từng hội viên, tập trung nhóm hàng có giá trị gia tăng cao…
HẢI YẾN