Tây Sơn giải ngân vốn đầu tư công chậm nhất tỉnh
So với nhiều địa phương khác, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 được tỉnh phân cấp cho huyện Tây Sơn thực hiện không nhiều, nhưng tiến độ giải ngân của huyện lại chậm nhất trong các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.
Theo kế hoạch vốn đầu tư công, năm 2023 UBND tỉnh giao cho huyện Tây Sơn 141,72 tỷ đồng. Để tránh tình trạng “đầu năm đủng đỉnh”, “cuối năm chạy nước rút”, ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư chung của cả tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình dự án, thanh toán khối lượng công việc hoàn thành, đảm bảo giải ngân 100% các nguồn vốn được phân cấp.
Tuy vậy, công tác giải ngân vốn đầu tư công tại Tây Sơn lại rất chậm, thể hiện rõ nhất ở việc thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được tỉnh phân cấp hơn 8,725 tỷ đồng (kể cả nguồn vốn từ năm 2022 chuyển sang) cho huyện Tây Sơn thực hiện 5 công trình, dự án. Hiện mới chỉ có 1 công trình trên lĩnh vực giáo dục đã hoàn thành, 4 công trình, dự án còn lại vẫn dang dở. Khối lượng công việc hoàn thành không nhiều nên đến ngày 28.9, huyện Tây Sơn mới chỉ giải ngân được 32% tổng vốn chương trình nói trên.
Công trình Trường THCS Võ Xán sử dụng vốn đầu tư công mới triển khai thi công cuối tháng 8.2023. Ảnh: TIẾN SỸ
Tương tự, tiến độ thực hiện các dự án và công tác giải ngân vốn chương trình XDNTM cũng không đạt yêu cầu. Theo bà Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tây Sơn, kế hoạch vốn Chương trình XDNTM được UBND tỉnh phân cấp cho Tây Sơn là 24,202 tỷ đồng. Trong đó cấp huyện được phân cấp hơn 15,67 tỷ đồng để thực hiện 14 công trình, dự án; số tiền còn lại phân cấp cho 13 xã để đầu tư 71 công trình. Đến nay, chủ đầu tư là UBND các xã đã giải ngân đạt 70% vốn đã được phân cấp; nhưng chủ đầu tư là ngành chức năng của huyện mới chỉ thực hiện được 7%. Hiện nhiều dự án còn dở dang và một số dự án chưa triển khai, trong đó đáng chú ý là 2 dự án: Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Bảo tàng Quang Trung đến tháp Dương Long; nâng cấp, mở rộng tuyến đường Tây Sơn - Phù Cát, đoạn từ đập dâng Phú Phong đến xã Cát Hiệp, (huyện Phù Cát) có vốn đầu tư lớn chưa triển khai thi công, nên chưa thể giải ngân.
Ông Đỗ Thành Long, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Tây Sơn - đơn vị chủ đầu tư 2 dự án nói trên, cho hay: Chúng tôi mất nhiều thời gian và công sức mới thực hiện xong hồ sơ, thủ tục đầu tư các dự án. Hơn nữa, có nhiều diện tích đất sản xuất của người dân trong phạm vi dự án cần xác minh, đo đạc, xây dựng phương án đền bù. Hiện chúng tôi đang chờ huyện phê duyệt phương án để chi trả tiền đền bù cho người dân. Cùng với đó tổ chức mở thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án, dự kiến trong tháng 10.2023 sẽ triển khai thi công. Đến lúc đó, nguồn vốn bố trí 2 dự án trong năm 2023 sẽ được giải ngân hết.
Đến ngày 28.9, huyện Tây Sơn mới chỉ giải ngân hơn 34% kế hoạch vốn năm 2023 được UBND tỉnh phân cấp, thấp nhất trong số 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Không phủ nhận sự nỗ lực của huyện Tây Sơn, nhưng với tình hình hiện nay, huyện Tây Sơn rất khó đảm bảo nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư đã được tỉnh giao.
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: Mỗi dự án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt phải mất từ 2 - 3 tháng, cộng thêm việc đấu giá đất gặp khó khăn, chưa đảm bảo nguồn đối ứng đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các công trình, dự án và công tác giải ngân vốn đầu tư. UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đồng thời thanh quyết toán nhanh khối lượng công việc đã hoàn thành, tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
PHẠM TIẾN SỸ