Rực rỡ hoa văn trang phục Mông
Hồi đầu tháng nhân ngày hội “Hoa đào trên đỉnh núi” của đồng bào Mông chào mừng tết Ðộc Lập tổ chức tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nhìn hình ảnh những cô gái Mông váy thổ cẩm rực rỡ màu núi màu nắng màu hoa đào và cả màu… sương khói trên những đỉnh núi cao, tôi lại nhớ đến vài dịp tôi được lên miền Tây Bắc và đến những phiên chợ vùng cao ngắm các cô gái Mông đi chợ. Chỉ bấy nhiêu mà có cả một thế giới bí ẩn đáng để ta lặng ngắm và khám phá từ đó.
Nhiều bạn đang ở vùng cao nói với tôi, nếu người đàn ông Mông được coi là những người can đảm và rất có cá tính, thì người con gái Mông lại rất kín đáo và bí ẩn. Thật khó để biết tình cảm thật luôn được giấu kín của họ.Và cách tốt nhất để ta hiểu phần nào nội tâm của các cô gái Mông, ước mơ của họ, tình cảm của họ là khi nhìn họ đi chợ phiên với trang phục vừa rất khiêm nhường vừa ngầm khoe. Khoe vẻ tinh tế, tính tỉ mỉ, khoe nét dịu dàng và kiên nhẫn cực kỳ của phụ nữ Mông truyền thống. Gọi chiếc váy của người con gái Mông là “đẹp” thì lời khen ấy quá đơn giản. Phải gọi đó là một kỳ công và một vật phẩm kỳ diệu thì mới xứng!
Thiếu nữ Mông chuẩn bị đi hội. Ảnh: Báo Sơn La
Bạn nên biết rằng theo quan niệm của người Mông, tự xa xưa đồng bào Mông vẫn truyền khẩu “Gái xinh không biết làm lanh cũng xấu/Gái ngoan không biết cầm kim cũng hư”. Rất giản dị mà đầy minh triết dân gian, từ các thế hệ ông bà xa xưa cùng nhau sáng tạo, gìn giữ, truyền lưu nghệ thuật tạo hoa văn trang trí trang phục. Để đến hôm nay người Mông giữ trong tay vô vàn những tác phẩm tuyệt đẹp. Không những đủ khiến nhiều người phải ồ lên bất ngờ thú vị mà còn tạo cảm hứng để nhiều nghệ sĩ sáng tác, từ hoa văn Mông mà thành thơ thành nhạc, thành hội họa, điêu khắc…
Bởi vậy, không có gì lạ khi để có cho riêng mình một bộ váy áo, người con gái Mông phải mất ròng rã 2 hay thậm chí 3 năm trời tỉ mẩn dệt và thêu. Ban ngày tất tả đi núi làm rẫy, chịu đựng hết mọi nỗi nhọc nhằn, để đêm về bên bếp lửa nhà sàn, người con gái Mông đắm mình vào những giấc mơ riêng khi thêu cho mình chiếc váy. Không đơn giản thêu dệt chiếc váy, họ thêu dệt cho mình một giấc mơ, một giấc mơ nhiều màu sắc kéo dài gần như suốt thời con gái. Và khi “giấc mơ” đã thành hiện thực-nghĩa là chiếc váy đã hoàn thành -người con gái Mông lại phải chờ cơ hội để có thể “khoe” chiếc - váy - giấc - mơ của mình. Và một trong những cơ hội sáng nhất trong năm ấy chính là dịp tết Độc Lập 2.9.
Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục dân tộc Mông ở Mộc Châu - vốn quý của đồng bào Mông, từ năm 2020 đã được Bộ VH-TT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cũng như rất nhiều bộ môn nghệ thuật dân gian khác, nghệ thuật này còn đến ngày nay nhờ được truyền khẩu; truyền từ bà sang mẹ, từ mẹ sang con, từ con sang cháu… Chắt lọc để giữ lại những gì tinh hoa nhất. Vì thế một bộ trang phục hoàn chỉnh không đơn giản chỉ có váy, quần, áo mà còn có thêm nhiều phụ kiện: Yếm trước, yếm sau, xà cạp, mũ đội đầu, trang sức…
Bạn ạ, phải tận mắt nhìn ngắm các cô gái Mông đẹp như hoa đào, xúng xính trong chiếc váy tự mình thêu dệt, ngượng ngùng lúm xúm bên bạn gái khi vào chợ phiên, ngơ ngác trước những lời chào hỏi hay trêu chọc, và tỏ ra vô cùng khó xử trước những ống kính máy ảnh của người lạ…, ta mới thấm câu hát “nước suối trong tận nguồn” là thế nào! Người Mông là một dân tộc yêu độ cao, quen sống trên cao, và do hít thở không khí trên núi cao từ khi mới lọt lòng nên họ là dân tộc yêu tự do hơn tất cả.
Những bài hát của người Mông đã thể hiện khát vọng tự do hồn nhiên ấy của họ. Nhưng với hình ảnh người con gái Mông xuống núi, thì người ta lại phải nhìn tự do từ một góc độ khác. Tự do ở đây đã được “nội tâm hóa” hoàn toàn. Và chiếc váy với những màu sắc thầm thì, với những hoa văn tích hợp, với vẻ thùy mị và kiên nhẫn khôn cùng chính là biểu hiện cái tự do của người con gái Mông. Nó như một “bè trầm” khi đối diện với “bè cao” là sự phóng khoáng và can đảm của người đàn ông Mông. Tôi không phải nhà dân tộc học, nhưng chỉ lặng ngắm nhìn người con gái Mông trong chiếc váy kỳ diệu tự cô thêu dệt, tôi đã thấu hiểu dân tộc này kiên nhẫn nhường nào, và họ yêu cái đẹp ở mức tinh tế biết bao!
Rất khó đề nghị các cô gái Mông cho chụp ảnh, nhưng khi họ đã thuận, thì họ luôn biết chọn cho mình một thế đứng vừa kín đáo vừa đẹp nhất với một khuôn hình. Tôi nhớ, dù khả năng chụp ảnh của mình chỉ “trên mức tồi” một chút, nhưng tôi đã bắt được những khoảnh khắc đầy cảm xúc của người con gái Mông. Họ đi như dòng suối, và họ đứng như cây hoa. Có một vẻ gì vừa cô đơn vừa kiêu hãnh nơi những người con gái dịu dàng rất mực này.
Dịu dàng - Kiêu hãnh - Cô đơn -nhiều khi giữa dòng đời hối hả và “đại chúng hóa” nơi đô thị ta chợt khát khao được nhìn ngắm một cô gái mang những dáng vẻ như vậy. Hơi xa cách đấy, nhưng cái Đẹp vốn là thế, nó luôn tạo một khoảng cách với người chiêm ngưỡng. Khả biến và bất tường, nó lặng lẽ một cách đầy thách thức. Như nụ cười kỳ lạ của Mona Lisa!
THANH THẢO