Chiến sự Nga - Ukraine khiến hoạt động kiểm soát vũ khí khó khăn hơn
Ngày 21.9 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, hai bên đã thảo luận về kế hoạch cung cấp vũ khí. Tương tự, trong cuộc họp trước đó giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cả hai cũng bàn về vấn đề vũ khí.
Trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine kéo dài hơn 18 tháng, cả hai bên hiện ngày càng có nhu cầu lớn về vũ khí. Và điều này được Đại diện cấp cao về giải trừ quân bị của LHQ Izumi Nakamitsu cảnh báo vào ngày 12.9, về nguy cơ vi phạm các nghị quyết quốc tế về phòng, chống sự chuyển giao vũ khí trái phép, ngay cả khi chiến sự kết thúc. Bản thân cuộc chiến không phải là nguyên nhân chính của vấn đề, mà sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa một bên là Trung Quốc và Nga, còn bên kia là Mỹ và các đồng minh đã khiến những thỏa thuận về không phổ biến vũ khí trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Sự đồng thuận đang bị xóa bỏ
Vụ khủng bố ngày 11.9.2001 làm dấy lên mối lo toàn cầu về nguy cơ vũ khí lọt vào tay khủng bố. Với sự ủng hộ của quốc tế, năm 2004, Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết 1540 về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cũng theo Nghị quyết này, một ủy ban quốc tế được lập ra để hỗ trợ các nước thành viên đối phó với việc phổ biến vũ khí, đồng thời xây dựng hệ kiểm soát thương mại chiến lược. Tất cả hoạt động này đều được nhiều nước thành viên, bao gồm Trung Quốc, Mỹ và Nga ủng hộ. Ngoài ra, LHQ cũng ban hành quy định về các biện pháp trừng phạt đa phương nhằm đối phó với hành vi phổ biến vũ khí trái phép và hoạt động này trong các cuộc xung đột.
Tuy nhiên, sự đồng thuận này hiện gặp thách thức lớn từ sự đối đầu và căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga trong vấn đề chiến sự tại Ukraine. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến Nga và Trung Quốc tức giận. Đối với Moskva và Bắc Kinh, các lệnh trừng phạt đơn phương đang hủy hoại hợp tác quốc tế và là sự thể hiện sức mạnh của phương Tây nhằm áp đặt các nước khác. Trong khi đó, Mỹ và đồng minh cho rằng, các biện pháp này là cần thiết để kiềm chế Nga trong cuộc chiến với Ukraine. Mặt khác, trong tình thế khó khăn, Nga buộc phải tìm cách tiếp cận công nghệ quốc phòng mới, như nhập khẩu vũ khí từ Iran và Triều Tiên qua Biển Caspi. Với Iran, nước này bị cáo buộc cung cấp máy bay không người lái cho Moskva để đổi lấy hàng hóa từ Nga. Với Triều Tiên, hoạt động giao dịch vũ khí với Nga cũng nhằm đạt được sự ủng hộ của Moskva đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Trong môi trường địa chính trị đang thay đổi như vậy, cơ chế của LHQ nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển kho vũ khí đang dần mất tác dụng.
Tương tự, các hoạt động chuyển giao vũ khí của phương Tây cho Ukraine cũng gây ra hậu quả khó lường đối với việc kiểm soát vũ khí. Chẳng hạn như quyết định gây tranh cãi của Mỹ về gửi đạn chùm cho Ukraine vừa qua. Anh và Pháp cũng đưa tên lửa hành trình Storm Shadow đến Ukraine, một động thái được cho là có thể đã vi phạm Cơ chế kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), vốn hạn chế xuất khẩu những tên lửa có tầm bắn vượt quá 300 km.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp hôm 21.9. Ảnh: Drew Angerer/Getty Images
Vẫn còn hy vọng hợp tác
Mặc dù những diễn biến vẫn theo chiều hướng ngày càng xấu hơn, nhưng hy vọng về sự hợp tác để ngăn chặn phổ biến vũ khí cũng không phải đã chấm dứt. Ngay cả vào thời điểm căng thẳng nhất trong thời Chiến tranh Lạnh, các bên vẫn hợp tác trong kiểm soát và không phổ biến vũ khí, nhất là trong lĩnh vực hạt nhân. Tương tự như hiện tại, các cường quốc có thể tập trung cho các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực, như thiết bị bay không người lái, ngăn chặn và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Cuộc chiến Nga - Ukraine có thể là một điềm báo về một thế giới mới và nhiều nguy cơ hơn, liên quan đến không phổ biến vũ khí, nhưng điều này không đồng nghĩa với sự sụp đổ trong hợp tác đa phương về kiểm soát vũ khí nguy hiểm.
LÊ QUẢNG (Theo The Conversation)