Bước ra khỏi vùng an toàn
Nhiều phụ nữ đã mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn của mình, khởi sự kinh doanh để theo đuổi đam mê hay sở thích và đã gặt hái thành công đáng ghi nhận.
Bước qua nỗi lo...
Chị Nguyễn Thị Hậu (ở thôn Thượng Giang 2, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) đã 55 tuổi nhưng chỉ mới gắn bó với nghề làm bánh khoảng 10 năm nay. Chị cho biết, từ nhỏ đã thích ngào đường nhào bột, nhưng cứ thấy làm bánh “công phu quá” nên chọn nghề buôn bán. Để rồi, từ lần đoạt giải nhất một cuộc thi làm bánh, được hỗ trợ 5 triệu đồng để khởi nghiệp, chị quyết “liều một phen” để theo đuổi đam mê. Chị nhận thấy, so với bánh kẹo hiện đại, bánh truyền thống luôn có sức sống và bản thân rất vui khi góp một phần nhỏ bé vào việc duy trì sức sống ấy.
“Giờ thì tôi mê nghề lắm rồi! Có những ngày nhận đơn hàng cả nghìn cái bánh, phải loay hoay từ sáng tới tối, nhưng làm vì đam mê nên không thấy cực nhọc. Vui nhất là khách hàng phản hồi, khen bánh ngon, cảm giác lúc ấy thật hạnh phúc”, chị Hậu chia sẻ.
Ở xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), chị Nguyễn Thị Bộ là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Hanh Quang, cũng nức tiếng với nghề làm bánh truyền thống như bánh ít lá gai, bánh thuẫn, bánh bông lan, bánh hồng, bánh đậu xanh cùng nhiều loại rim mứt.
Chị Bộ (trái) nhận đơn làm bánh truyền thống mỗi ngày từ khách hàng khắp cả nước. Ảnh: N.T
Từ xã Phước Hiệp về xã Phước Lộc làm dâu, chị Bộ kế thừa nghề làm bánh của nhà chồng; ban đầu sản xuất nhỏ lẻ với công cụ thô sơ, trừ chi phí, thu nhập mỗi ngày khoảng 100 nghìn đồng. Chị nhớ, hồi đó chị nhút nhát lắm, nghe ai khuyên chuyện mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc là lo không có tiền, lo trả nợ nên không mặn mà. Nhưng rồi đơn đặt hàng ngày càng nhiều thôi thúc, chị mạnh dạn đầu tư mua máy móc gần 100 triệu đồng, làm không xuể, chị thuê thêm người. Đến giờ, trừ chi phí, thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng.
“Không biết thì phải hỏi”
Gần đây, phở gạo lứt và phở rau củ quả là hai sản phẩm được khách hàng quan tâm, tiêu thụ khá mạnh. Người làm ra hai sản phẩm này là chị Hà Thị Hương, chủ cơ sở sản xuất và tiêu thụ bún, bánh Cô Phương, Tổ trưởng tổ liên kết “Sản xuất và tiêu thụ bún bánh An Phong” của thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát). Chị Hương cho biết, 2 sản phẩm mới ra đời từ yêu cầu của khách hàng. “Họ hỏi tôi, sao cứ bán bánh phở thường, phở trắng, sao không có phở gạo lứt dành cho khách ăn kiêng, phở rau củ quả để đổi món. Vậy là tôi làm”, chị Hương cho hay.
Chị Hương luôn cầu thị, muốn học hỏi. Ảnh: N.T
Chị tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn, rồi tự nghĩ thêm cách xay, cách trộn cho phù hợp. Thời gian đầu pha chưa chuẩn, phở đậm màu quá hoặc nhạt, không đẹp. Chuyện cho đủ lượng rau củ bột vào trộn, lường theo tỷ lệ hợp lý đòi hỏi rất nhiều công sức. Cuối cùng cũng thành công.
Hơn bốn mươi năm gắn chặt với nghề làm bún, bánh, việc kinh doanh của chị Hương ngày càng thuận lợi và phát triển; mỗi năm thu lợi nhuận bình quân 200 triệu đồng. Cơ sở của chị thường xuyên có 12 người làm với thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/tháng. Tổ liên kết giờ đã có hơn 60 hộ tham gia sản xuất. Chị cầu thị, áp dụng máy móc hiện đại vì muốn tạo ra các sản phẩm đa dạng, có chất lượng tốt.
“Kinh nghiệm làm thì mình hơn nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, mình thua lớp trẻ chuyện cập nhật, ứng dụng công nghệ. Các em ăn học bài bản, có trình độ, vậy nên tôi luôn có nhu cầu học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, không biết gì thì hỏi”, chị Hương bộc bạch.
Tư duy mở đang giúp nhiều chị em phát triển, mở rộng việc sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho chị em khác trên địa bàn. Ở khu phố Công Thạnh (phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn), chị Trần Thị Kim Phường, chủ Cơ sở thức ăn nuôi tôm Kim Minh được nhiều người yêu mến vì có tấm lòng nhân hậu.
Cơ sở thức ăn nuôi tôm của chị hiện có 4 hồ nuôi tôm với tổng diện tích 8.000 m2, mỗi năm thả nuôi 2 vụ, bình quân mỗi vụ thu lãi trên 200 triệu đồng. Riêng năm 2020 thu nhập cao, lãi trên 500 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn mở thêm đại lý thức ăn nuôi tôm để cung cấp cho những hộ nuôi tôm trong và ngoài địa phương, thu nhập từ nguồn kinh doanh đại lý thức ăn hằng năm trên 500 triệu đồng.
Cơ sở của chị tạo việc làm cho 12 lao động với mức lương hằng tháng 8 triệu đồng/người. Chị cũng cho gần 30 hộ mượn tiền không tính lãi để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi tôm...
NGỌC TÚ