Triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số
Chiều 30.9, tại Trường ĐH FPT Quy Nhơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì phiên họp của Tiểu ban Giáo dục đại học (Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực) về “Góp ý dự thảo đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số”. Phiên họp do Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp với Vụ Giáo dục Đại học tổ chức.
Quang cảnh phiên họp.
Thông tin về Đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục Đại học số, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập. Cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở (MOOCs) cho tất cả người dân, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận GD&ĐT…
Mô hình giáo dục đại học số tập trung phát triển hệ thống nền tảng và học liệu quốc gia, đồng thời khai thác có hiệu quả những nguồn học liệu có giá trị có sẵn trên thế giới; kế thừa có chọn lọc các mô hình thành công trên thế giới, áp dụng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của giáo dục đại học Việt Nam; có khả năng tương tác với các mô hình đại học số trên thế giới.
Đại biểu góp ý về đề án.
Đề án tập trung thí điểm cho lĩnh vực đào tạo có nhu cầu cao về nhân lực, đặc biệt nhân lực công nghệ số. Hiện, 5 cơ sở giáo dục thí điểm mô hình giáo dục Đại học số trong đào tạo nhân lực công nghệ số đang được xúc tiến triển khai tại ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông.
Giai đoạn năm 2024 - 2025, lựa chọn 2 - 3 nhóm lĩnh vực (Máy tính và công nghệ thông tin…) và 5 cơ sở giáo dục đại học uy tín cho mỗi lĩnh vực chủ trì triển khai đề án; giai đoạn 2026 - 2028, mở rộng cho các cơ sở giáo dục đại học khác tham gia.
Mục tiêu chính của mô hình giáo dục đại học số chia sẻ, dùng chung được hình thành và vận hành hiệu quả với đầy đủ hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách thu hút được số lượng lớn các cơ sở giáo dục đại học, giảng viên, người học và các bên liên quan, góp phần đưa giáo dục đại học số trở thành một trụ cột của giáo dục đại học, phát triển xã hội học tập, tạo đột phá trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao phục vụ phát triển KT-XH.
Đến năm 2028, hệ thống giáo dục đại học số chia sẻ, dùng chung được phát triển tương đối hoàn chỉnh, có đủ năng lực tự vận hành hiệu quả. Hệ thống cung cấp ít nhất 50 khóa học trực tuyến mở trong khoảng 50 - 60 chương trình đào tạo cấp bằng trình độ đại học thuộc 2 - 3 lĩnh vực đào tạo. Và, có ít nhất có 10 cơ sở giáo dục đại học chủ trì cùng tham gia xây dựng học liệu số, cung cấp và sử dụng các khóa học trực tuyến mở trên Hệ thống. Khoảng 20.000 - 25.000 sinh viên tham gia học trên Hệ thống.
Vụ giáo dục Đại học cũng đưa ra một số giải pháp. Trong đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mô hình giáo dục đại học số chia sẻ, dùng chung (áp dụng cơ chế đặc thù cho cơ sở tham gia thí điểm, tăng tỷ trọng đào tạo trực tuyến, tăng chỉ tiêu tuyển sinh); xây dựng và ban hành văn bản để vận hành Hệ thống (tài chính, quy trình kỹ thuật, quy định đào tạo trực tuyến/ứng dụng công nghệ thông tin, tiêu chuẩn chuyên môn/công nhận tín chỉ…). Xây dựng, phát triển hệ thống; cơ chế hợp tác, chia sẻ giữa các cơ sở giáo dục đại học; nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật; cơ chế đánh giá, khuyến khích các cơ sở đại học tham gia phát triển giáo dục đại học số…
Các ý kiến góp ý đề án cho rằng cần xác định rõ mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể. Bộ GD&ĐT cần có các giải pháp cụ thể về cơ chế chính sách cho giáo dục đại học số, hạ tầng kỹ thuật, nguồn học liệu và đội ngũ giảng viên, cán bộ kỹ thuật vận hành hệ thống…
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận các ý kiến của chuyên gia góp ý; đề nghị các thành viên Ban biên tập đề án tiếp thu để nghiên cứu đưa vào đề án. Đồng thời nhấn mạnh điều đầu tiên của đề án giáo dục đại học số đó là chất lượng học liệu. Và, muốn tạo ra đột phá chính là sự chia sẻ, từng trường tạo ra nguồn học liệu và sinh viên trong trường sử dụng mà nếu chúng ta chia sẻ trong hệ thống thì có giá trị gấp nhiều lần. Vì thế, hồn cốt giáo dục đại học số khác với trường đại học số.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu kết luận phiên họp.
“Đề án xây dựng trên cơ sở kế thừa những nền tảng có sẵn của thế giới, tuy nhiên chúng ta phải có nền tảng, phải có hệ thống theo dõi, đánh giá quá trình người học. Chất lượng học liệu là quan trọng nhất, cùng với đó nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, phải kiểm tra, đánh giá… để mô hình vận hành bền vững”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
MAI HOÀNG