Chủ động phòng bệnh bạch hầu
Bạch hầu là bệnh nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Trước tình hình bệnh dịch bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh như Hà Giang, Ðiện Biên và đã có trường hợp tử vong, tỉnh Bình Ðịnh chủ động phòng dịch và cảnh báo, nhắc nhở mọi người không chủ quan, lơ là.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh bạch hầu chủ yếu thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng người lớn cũng có thể mắc bệnh này nếu không có miễn dịch. Bệnh dễ lây lan thành dịch. Tỷ lệ tử vong của bệnh từ 5 - 10% vì độc tố do bạch hầu tiết ra tác động vào tim và các mô ngoại vi gây nên tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân.
Bác sĩ TTYT TX Hoài Nhơn dặn dò bà mẹ cách chăm sóc trẻ sau khi về nhà. Ảnh: T. YÊN
Người mắc bệnh bạch hầu nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, hậu quả là trụy tim mạch, tử vong đột ngột; một số trường hợp khác bị viêm cơ tim và van tim sau nhiều năm sẽ dẫn đến bệnh tim mãn và suy tim. Bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.
Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh bạch hầu có 2 phương thức truyền bệnh: Lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp tại các hoạt động như nói, ho, hắt hơi. Do vậy, bệnh lây nhiễm rất nhanh chóng, đặc biệt ở những nơi đông người. Bệnh bạch hầu cũng lây truyền gián tiếp qua các dụng cụ, đồ dùng trong sinh hoạt hoặc bề mặt các đồ vật.
Rất khó nhận biết các biểu hiện của bệnh bạch hầu vì triệu chứng ban đầu của bệnh giống khá nhiều bệnh thông thường như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. 2 - 3 ngày sau sẽ xuất hiện giả mạc có màu trắng ngà, xám, hoặc đen ở 2 bên thành họng. Giả mạc dai, dính và dễ chảy máu, đây là dấu hiệu quan trọng để nhận biết bệnh. Đồng thời, bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Bệnh nhân có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6 - 10 ngày.
Để phòng bệnh bạch hầu, ông Nguyễn Thanh Truyền khuyến cáo: Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu. Do vậy, phụ huynh nên đưa con/em mình đi tiêm khi có thông báo của ngành y tế.
Dù Bình Định chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu nhưng ngành y tế rất chủ động trong công tác phòng bệnh. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng bệnh, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu ban hành kèm theo Quyết định số 2957/QĐ-BYT ngày 10.7.2020 của Bộ Y tế. Đồng thời chủ động kiểm tra, rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn hiện hành để tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh bạch hầu đúng quy định. Đối với các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ bạch hầu ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu và triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị.Để đảm bảo an toàn cho người bệnh, các cơ sở y tế phải tăng cường theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời xử trí, chuyển tuyến khi cần thiết.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, chia sẻ: Nhằm chủ động phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị, kịp thời và giảm tối đa số ca bệnh tử vong, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tăng cường các công tác chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu. Hội chẩn chuyên môn xin ý kiến tuyến trên đối với các ca bệnh khó, ca bệnh nặng, hội chẩn trước khi chuyển tuyến. Chủ động triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn.
THẢO YÊN