Đề nghị công nhận nước mắm là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam
Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Việt Nam Trần Đáng cho biết, sẽ phối hợp với Hiệp hội Văn hoá Ẩm thực Việt Nam xây dựng hồ sơ, trình công nhận nước mắm là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Tại Hội thảo “Nước mắm Việt - nâng tầm ẩm thực Việt Nam” trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Festival Thu Hà Nội 2023", các chuyên gia đã cùng nhau trao đổi và chia sẻ các nghiên cứu, ý kiến về nước mắm Việt - ẩm thực Việt gắn kết tạo nên những món ăn đậm đà, đặc trưng của các vùng miền trên cả nước.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực Lê Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, nước mắm là nguyên liệu lưỡng dụng, từ xa xưa đã được người dân sử dụng với nhiều hình thức như làm nước chấm trực tiếp hoặc làm gia vị, nguyên liệu chế biến và là quốc hồn, quốc tuý của người dân Việt Nam trong mỗi bữa ăn.
Còn theo nhà sử học Dương Trung Quốc, ngay từ thế kỷ thứ X, Việt Nam đã là quốc gia sản xuất nước mắm. Thậm chí nước mắm Việt Nam từng được mang sang Pháp để tham dự hội chợ triển lãm. Vì vậy việc đẩy mạnh quảng bá nước mắm Việt Nam ra nước ngoài để trở thành một thương hiệu quốc gia là điều rất cần thiết.
“Nghề làm nước mắm Phú Quốc” từng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam cho biết nước mắm Việt là “di sản truyền khẩu” được cấu thành từ cá biển và muối, ủ nhiều tháng mới “nhỉ” ra dòng nước tinh khiết vàng sánh, tạo nên hương vị đậm đà tự nhiên.
Tại Việt Nam hiện có 6 vùng sản xuất nước mắm nổi tiếng là Cát Hải (Hải Phòng), Ba Làng (Thanh Hóa), Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc với hàng chục thương hiệu. Tiềm năng của thị trường này rất lớn, bởi ngoài 100 triệu dân trong nước, còn hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài và ngày càng có nhiều người tiêu dùng nước ngoài quan tâm tới nước mắm Việt.
Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Việt Nam Trần Đáng nhấn mạnh, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam sẽ phối hợp với Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam xây dựng Đề án xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, góp phần đưa nước mắm Việt Nam lên tầm cao mới. Đồng thời, hai hiệp hội sẽ cùng nhau nghiên cứu, xây dựng bộ hồ sơ trình Chính phủ công nhận nước mắm là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Theo Kim Nhung (VOV.VN)