Mỹ trấn an đồng minh sau khi loại gói hỗ trợ Ukraine khỏi dự luật ngân sách
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách trấn an các đồng minh sau khi loại gói hỗ trợ bổ sung cho Ukraine ra khỏi dự luật ngân sách tạm thời. Dù giúp Chính phủ liên bang thoát được nguy cơ đóng cửa vào phút chót, song dự luật lại đặt chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tình thế khó xử, thậm chí đe dọa mặt trận thống nhất mà phương Tây vẫn thể hiện đối với cuộc xung đột Ukraine.
Phát biểu ngay sau khi Quốc hội thông qua gói tài trợ ngân sách ngắn hạn giúp chính phủ thoát nguy cơ đóng cửa, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách trấn an các đồng minh khi một lần nữa khẳng định cam kết của Mỹ dành cho Ukraine.
“Tôi hoàn toàn mong đợi các nghị sĩ sẽ giữ cam kết của mình về những hỗ trợ cần thiết để giúp Ukraine. Và như các bạn biết, hiện có một số lượng áp đảo các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ ở cả Hạ viện và Thượng viện ủng hộ Ukraine. Vì vậy hãy bỏ phiếu cho điều này. Tôi muốn đảm bảo với các đồng minh, người dân Mỹ và người dân Ukraine rằng, các bạn có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của chúng tôi. Tôi xin nhắc lại rằng, Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, Thượng viện và Hạ viện đều ủng hộ việc giúp đỡ Ukraine. Hãy dừng trò chơi và bắt tay ngay vào công việc”.
Tổng thống Mỹ Biden khởi động chiến dịch tranh cử 2024 tại bang chiến trường Pensylvania. Ảnh: Post Gazette
Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp thừa nhận, việc đạt được sự chấp thuận tại Quốc hội đối với việc hỗ trợ Ukraine ngày càng khó khăn hơn khi xung đột vẫn tiếp diễn. Sự phản đối của đảng Cộng hòa đối với viện trợ đã và đang có động lực trong Quốc hội nước này.
Trong khi Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Chuck Schumer của đảng Dân chủ đã bắt đầu quá trình xem xét dự luật cung cấp viện trợ bổ sung cho Ukraine, thì Chủ tịch Hạ viện Kevin McCathy lại phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn hơn khi vấp phải sự phản đối của gần một nửa trong số các nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Phát biểu trên chương trình “Face on the Nation” của CBS, lãnh đạo Hạ viện khẳng định ông ủng hộ việc cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí cần thiết, song ưu tiên của ông vẫn là an ninh biên giới giữa Mỹ và Mexico.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2.2022, Mỹ đã viện trợ hàng chục tỷ đôla cho Ukraine và cung cấp cho nước này rất nhiều vũ khí, đạn dược. Tuy nhiên, đây cũng lại là điểm gây tranh cãi nhất trong các cuộc đàm phán về ngân sách tại Quốc hội Mỹ. Và để tránh cho Chính phủ liên bang phải đóng cửa vào ngày 30.9, các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ tại cả Hạ viện và Thượng viện đã quyết định từ bỏ việc tăng cường viện trợ cho Ukraine.
Bất chấp cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden, các đồng minh của Mỹ ở phía bên kìa bờ Đại Tây Dương vẫn không khỏi lo ngại. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Joseph Borrell đã bày tỏ hi vọng đây sẽ không phải là quyết định cuối cùng của Mỹ.
“Sự hỗ trợ của chúng tôi dành cho Ukraine không chỉ sẽ tiếp tục mà còn tăng lên. Ít nhất, vào thời điểm hiện tại, đề xuất trên bàn cho thấy rằng chúng tôi muốn tiếp tục tăng cường sự hỗ trợ. Và tôi hy vọng các quốc gia thành viên sẽ cùng nhau quyết định điều đó trước cuối năm nay. Hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra ở Mỹ, nhưng về phía Liên minh châu Âu, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ và tăng cường hỗ trợ cho Ukraine”.
Theo các nhà phân tích, quyết định mới nhất tại Quốc hội Mỹ báo hiệu một sự thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ với Ukraine khi diễn ra chưa đầy 1 tuần sau khi các nhà lập pháp Mỹ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Đồi Capitol. Nhà lãnh đạo Ukraine khi đó đã nhấn mạnh sự hỗ trợ bổ sung của Mỹ dành cho nước này là rất quan trọng.
Theo Thu Hoài (VOV1)