Hai nhà khoa học nghiên cứu vắc xin mRNA chống lại Covid-19 giành Nobel Y sinh 2023
Nobel Y sinh, giải thưởng mở đầu mùa trao giải Nobel năm nay, đã có chủ, đó là hai nhà khoa học Katalin Kariko và Drew Weissman, vì những đóng góp trong phát triển công nghệ vắc xin mRNA chống lại Covid-19.
Khoảng 16h45 ngày 2.10 (giờ Việt Nam), giải thưởng Nobel Y sinh đã được công bố tại Stockholm (Thụy Điển).
Chiến thắng của hai nhà khoa học Katalin Kariko và Drew Weissman với nghiên cứu công nghệ vắc xin mRNA tương đối bất ngờ. Trước "giờ G", nhiều chuyên gia dự đoán Ủy ban Nobel thường phải đợi hàng thập kỷ mới trao giải thưởng, để đảm bảo nghiên cứu này đứng vững trước thử thách của thời gian.
Buổi lễ công bố chủ nhân Nobel Y sinh 2023 ở Stockholm, Thụy Điển, ngày 2.10 - Ảnh: REUTERS
Bên cạnh nghiên cứu về mRNA. Có hai ứng cử viên nặng ký cho Nobel Y sinh năm nay là nghiên cứu về chứng ngủ rũ và phát hiện orexin, một loại peptide thần kinh giúp điều hòa giấc ngủ.
Ba nhà khoa học có tác động lớn đến công trình này là giáo sư Masashi Yanagisawa - giám đốc Viện Y học giấc ngủ tích hợp quốc tế, Đại học Tsukuba (Nhật Bản); giáo sư Emmanuel Mignot, khoa tâm thần & khoa học hành vi tại Đại học Stanford (Mỹ); giáo sư Clifford B Saper, chuyên về thần kinh học và khoa học thần kinh, Trường Y Harvard (Mỹ).
Ứng cử viên còn lại là nhà sinh vật học người Mỹ Kevan Shokat, người tìm ra cách ngăn chặn gene ung thư KRAS, gây ra 1/3 số ca ung thư bao gồm các khối u phổi, ruột kết và tuyến tụy khó điều trị.
Trong lịch sử, Nobel Y sinh tôn vinh những khám phá mang tính đột phá như tia X, penicillin, insulin và ADN.
Chủ nhân giải Nobel Y sinh năm 2022 là giáo sư người Thụy Điển Svante Paabo. Ông được trao giải vì những khám phá liên quan đến "bộ gene của các loài giống người đã tuyệt chủng và sự tiến hóa của con người".
Những chủ nhân giải Nobel Y sinh trước đây đều rất nổi tiếng, bao gồm Alexander Fleming, người đã phát hiện kháng sinh penicillin, mở ra kỷ nguyên sử dụng kháng sinh cho con người; hay Robert Koch, người được trao giải vì các công trình về bệnh lao vào năm 1905.
Giải Nobel Y sinh đã được trao 113 lần từ năm 1901 đến nay, trong đó có 12 phụ nữ từng nhận giải.
Trong lịch sử, chủ nhân trẻ tuổi nhất của giải Nobel Y sinh là nhà khoa học người Canada Frederick G. Banting, nhận giải năm 1923 khi mới 32 tuổi, với công trình khám phá ra hoóc môn tuyến tụy insulin điều trị bệnh tiểu đường.
Chủ nhân lớn tuổi nhất là bác sĩ Mỹ Peyton Rous, nhận giải năm 1966 khi ông 87 tuổi, với công trình nghiên cứu phát hiện một số vi rút có thể gây ra ung thư.
(Theo MINH KHÔI/TTO)