Việt Nam kêu gọi giải pháp toàn diện, đột phá về phát triển bền vững
Phát biểu tại Phiên họp của Ủy ban 2, Đại diện Việt Nam kêu gọi cần đẩy nhanh việc cải tổ cấu trúc tài chính quốc tế, triển khai Gói hỗ trợ SDG nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ các nước đang phát triển.
Toàn cảnh Phiên khai mạc kỳ họp Ủy ban Kinh tế-Tài chính (Ủy ban 2) của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78. Ảnh: TTXVN
Ngày 3-4.10 tại New York (Mỹ) đã diễn ra Phiên khai mạc kỳ họp Ủy ban Kinh tế-Tài chính (Ủy ban 2) của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78.
Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Carlos Tenconi nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng cường hợp tác và hành động trong 6 lĩnh vực then chốt đối với phát triển bền vững gồm lương thực, năng lượng, đa dạng sinh học, số hóa, giáo dục, bảo trợ xã hội và việc làm.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Li Junhua kêu gọi Ủy ban đưa ra các cam kết mới, tăng cường đầu tư, thúc đẩy đối tác công-tư, hợp tác Nam-Nam, tạo thêm động lực cho việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).
Tại Phiên thảo luận chung sau khai mạc kỳ họp, các nước chia sẻ nhận định về những khó khăn, thách thức đa chiều mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, nhấn mạnh cần tăng cường nỗ lực, hành động chung để triển khai hiệu quả các biện pháp về kinh tế, tài chính và phát triển bền vững.
Phát biểu tại Phiên thảo luận chung, Tham tán Nguyễn Hoàng Nguyên - Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đánh giá các vấn đề toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện SDG, khi chỉ có 15% mục tiêu được triển khai đúng lộ trình; nhấn mạnh cần có các giải pháp toàn diện, đột phá để đưa Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững trở lại đúng quỹ đạo.
Đại diện Việt Nam kêu gọi tăng cường hành động trong 3 lĩnh vực chính. Về kinh tế-tài chính, cần đẩy nhanh việc cải tổ cấu trúc tài chính quốc tế, triển khai Gói hỗ trợ SDG nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ các nước đang phát triển.
Về các vấn đề xã hội, cần tiếp tục ưu tiên xóa nghèo thông qua tăng cường an ninh lương thực, đầu tư cho giáo dục, bảo đảm việc làm bền vững và phúc lợi xã hội cho mọi người dân.
Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN
Về các vấn đề môi trường, cần thúc đẩy hành động khí hậu và tăng cường tài chính cho khí hậu, hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi năng lượng, hiện thực hóa Quỹ đền bù thiệt hại do biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) sắp tới và đẩy nhanh việc triển khai các mục tiêu của Khung Đa dạng Sinh học Côn Minh-Montreal.
Là thành viên nhóm nòng cốt thúc đẩy Nghị quyết Thập kỷ quốc tế về Khoa học cho Phát triển Bền vững 2023-2034 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, đại diện Việt Nam kêu gọi các nước phát triển tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để các nước đang phát triển có thể tận dụng cơ hội của kỷ nguyên số; khẳng định Việt Nam luôn nỗ lực và mong muốn tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế để đạt được SDG vào năm 2030.
Theo Thanh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)